1. Khi “kỳ vọng hóa thành gánh nặng” với doanh nghiệp
Làn sóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng việc lạm dụng AI trong doanh nghiệp đang dần bộc lộ nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Không ít đơn vị kỳ vọng AI sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu năng suất và thay thế sức người. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai vội vàng, thiếu kiểm soát đã khiến AI trở thành con dao hai lưỡi.


Theo báo cáo của BBC, một công ty trong ngành lưu trú đã sử dụng AI để viết toàn bộ nội dung website. Tuy nhiên, phần nội dung bị đánh giá là “máy móc, thiếu cảm xúc và không mang bản sắc thương hiệu. Họ buộc phải thuê freelancer chỉnh sửa lại toàn bộ, tốn tới 20 giờ công, thậm chí nhiều hơn nếu viết mới ngay từ đầu.
Một trường hợp khác là một doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ dùng AI để sửa mã HTML cho trang sự kiện. Hậu quả: website sập hoàn toàn trong ba ngày, thiệt hại ít nhất 485 USD chi phí sửa lỗi, chưa kể mất khách hàng và uy tín.
Có lẽ vấn đề nằm ở cách doanh nghiệp sử dụng AI thiếu kiểm duyệt. Theo nghiên cứu của Anders Humlum và Emilie Vestergaard, mức tăng năng suất thực tế từ công cụ AI thấp hơn so với kỳ vọng. Ở môi trường hoàn hảo (tức nếu ai cũng biết cách đặt câu hỏi chính xác và kiểm tra kỹ trước khi xuất bản) thì mức cải thiện là hơn 15%, nhưng kết quả thực tế lại chỉ ra rằng, họ chỉ tiết kiệm đc 2,8% thời gian làm việc.
2. Doanh nghiệp thiếu kiểm soát, dễ biến AI thành “lỗ hổng vận hành”
Như đã đề cập ở trên, một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hệ quả tiêu cực của việc lạm dụng AI trong doanh nghiệp là sự thiếu hụt về quy trình kiểm duyệt và vai trò giám sát của con người.
Bài viết trên Search Engine Journal dẫn lời Giáo sư Feng Li từ Bayes Business School nhấn mạnh rằng: nếu AI được triển khai mà không có hệ thống giám sát, đánh giá hoặc đào tạo phù hợp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đối mặt với những tổn thất không chỉ về tài chính mà còn về danh tiếng và pháp lý.


Trên thực tế, có những tổ chức tiếp cận AI một cách bài bản hơn, thông qua việc xây dựng hướng dẫn sử dụng, phân quyền kiểm soát và tổ chức đào tạo nội bộ đã bước đầu nhận được kết quả tích cực hơn. Không phải vì họ giỏi công nghệ hơn, mà vì họ hiểu rõ rằng AI cần được sử dụng có kiểm soát, chứ không phải phó mặc toàn phần.
Việc lạm dụng AI trong doanh nghiệp mà không có con người giám sát, cũng giống như để một chiếc xe tự lái vận hành mà không có tay lái phụ: có thể ổn trong một đoạn đường, nhưng chỉ một tình huống bất ngờ là đủ gây ra tai nạn nghiêm trọng.
3. Muốn khai thác AI hiệu quả, đừng bỏ qua yếu tố con người
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng AI có thể thay thế con người trong sáng tạo nội dung hay xử lý kỹ thuật. Nhưng dù nhanh và tiện đến đâu, AI vẫn không thể thay thế vai trò con người. Nhất là ở những công việc đòi hỏi cảm xúc, phán đoán và sự thấu hiểu thương hiệu.


Để sử dụng AI một cách thông minh và bền vững, chúng tôi gợi ý doanh nghiệp nên thực hiện các đầu việc sau:
- Phân định rõ vai trò: AI nên xử lý những công việc lặp lại, phân tích dữ liệu hoặc gợi ý ban đầu. Con người đảm nhận phần sáng tạo, hiệu chỉnh, và quyết định cuối cùng.
- Thiết lập quy trình kiểm duyệt nội dung: Bất kỳ nội dung nào do AI tạo ra, dù là bài viết, email, quảng cáo hay đoạn mã đều cần được rà soát bởi con người trước khi sử dụng công khai.
- Đào tạo đội ngũ sử dụng AI đúng cách: Không chỉ học cách dùng công cụ, mà còn hiểu rõ giới hạn của nó, tránh tình trạng “thần thánh hóa” AI hoặc dùng sai mục đích.
Như tác giả Matt G. Southern nhận định trong bài viết: “Kết hợp AI và con người đúng cách mới là con đường thông minh nhất. Nếu không, AI sẽ chỉ là một cái búa… mà doanh nghiệp lại đang dùng để vặn ốc vít.”
Vì vậy, thay vì hỏi “AI có thể thay thế con người hay không?”, các doanh nghiệp nên đặt câu hỏi: Làm thế nào để con người và AI phối hợp hiệu quả nhất?”. Đó mới là tư duy dẫn tới thành công trong thời đại số.
4. Lời kết
Qua bài viết này, MIC Creative hy vọng các doanh nghiệp có thể nhìn nhận các trợ lý AI một cách khách quan hơn. Đừng thần thánh hóa mọi công năng mà bỏ qua bước kiểm duyệt trong quá trình sử dụng. Đặc biệt để tránh xảy ra hiện tượng lạm dụng AI trong doanh nghiệp, các đơn vị nên lấy yếu tố con người làm trung tâm cho quá trình tương tác với những trợ lý thông minh này. Sau cùng, người dùng và cảm nhận vẫn chính là những khách hàng có trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ – thứ mà AI sẽ không bao giờ bắt kịp được.
Đọc thêm bài viết cùng chủ đề
Google Veo 3 – Công cụ AI tạo video đang “gây sốt”, xịn cỡ nào?