“Kiss Testing”: Thứ duy nhất chúng ta nên thử với động vật là tình yêu
Từ lâu, các cuộc thử nghiệm trên động vật đã được sử dụng rộng rãi, đặc biệt trong ngành mỹ phẩm để đánh giá sự an toàn của các hoạt chất đối với con người. Thương hiệu mỹ phẩm Etnia Cosmetics đã triển khai chiến dịch khuyến khích mọi người hạn chế các thử nghiệm hoá chất lên động vật bởi nó có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của động vật. Chiến dịch mang tên “Kiss Testing”, bao gồm các tấm print-ad với hình ảnh động vật như chó, mèo và thỏ có vết hôn còn dính son trên mình. Kết hợp với câu slogan “The only thing we test on animal is love” (tạm dịch: Thứ duy nhất chúng ta nên thử với động vật là tình yêu), chiến dịch nhấn mạnh rằng cách duy nhất chúng ta nên “thử nghiệm” trên động vật là bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng các hóa chất.
Chiến dịch không chỉ kêu gọi cộng đồng giảm thiểu các thử nghiệm vô nhân đạo lên động vật mà còn khuyến khích mọi người yêu thương và bảo vệ các loài động vật vô tội, nhỏ bé. Qua đó, Etnia Cosmetics đã góp phần lan tỏa những giá trị tích cực, hướng tới một ngành công nghiệp mỹ phẩm thân thiện với người dùng và môi trường.
Động vật không cần con người bày tỏ cảm xúc, thứ chúng cần là hành động thiết thực!
Chiến dịch của WWF – Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã tung ra chiến dịch truyền thông đầy ấn tượng khi sử dụng những hình ảnh đối lập để so sánh tình trạng môi trường tồi tệ hiện tại với phản ứng yếu ớt của con người khi chỉ “bày tỏ cảm xúc”, nhằm kêu gọi mọi người hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Các print-ad trong chiến dịch bao gồm hình ảnh rùa biển bị rác quấn quanh người, hải cẩu sống cùng rác thải trên bờ biển, gấu Bắc Cực đối mặt với nạn băng tan và môi trường sống của kangaroo bị đe dọa bởi cháy rừng,…Mục đích là để làm nổi bật sự chênh lệch giữa mức độ nghiêm trọng của vấn đề và phản ứng yếu ớt của con người, qua đó phơi bày sự thật phũ phàng: cảm xúc đồng cảm của con người không đủ để cứu môi trường, mà cần những hành động thiết thực.
WWF nhấn mạnh rằng việc thể hiện cảm xúc yếu ớt của con người không đủ để bảo vệ động vật hoang dã. Thay vào đó, cần có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật ngoài tự nhiên, bởi mỗi hành động nhỏ bé đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Print-Ad của WWF: “Hàng trăm triệu năm tiến hóa cũng kết thúc dưới tay con người”
Để nâng cao nhận thức cộng đồng và bảo vệ động vật hoang dã, WWF đã hợp tác với Ogilvy triển khai một bộ ảnh vào năm 2007. Bộ ảnh này gồm ba tấm print-ad, đặt tên theo các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng: rùa, voi và hổ. Mỗi bức ảnh minh họa quá trình tiến hóa của các loài động vật, từ sinh vật đơn bào đến các loài lưỡng cư, bò sát,… Hệ sinh thái động thực vật phong phú ngày nay đã được hình thành qua hàng trăm triệu năm phát triển. Tuy nhiên, bước tiếp theo trong tiến hóa của loài rùa lại là trở thành nguyên liệu cho món súp, hay con hổ bị biến thành chiếc áo khoác xa xỉ trong ngành thời trang. “Cái kết” của các loài động vật này chính là hồi chuông cảnh báo về việc khai thác động vật hoang dã một cách vô tội vạ, kêu gọi mọi người nghiêm túc suy nghĩ về các giải pháp giúp phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên.
Có thể thấy, những chiến dịch này đã tận dụng sức mạnh của truyền thông, khéo léo khai thác cảm xúc dễ thương cảm của cộng đồng. Thông qua hình ảnh sáng tạo, thể hiện mạnh mẽ thông điệp để lan tỏa những giá trị tích cực, từ đó khơi dậy lòng yêu thương và thúc đẩy hành động thiết thực trong cộng đồng nhằm bảo vệ động vật và môi trường sống của chúng.
Mascot và sức mạnh biểu tượng: Câu chuyện thành công của các thương hiệu đình đám
Thách thức giới hạn sáng tạo: Những chiến dịch bá đạo dạo gần đây