PR và Marketing là gì? So sánh giữa PR và Marketing

Đăng ngày: 23/08/2024

PR và Marketing là hai khái niệm trong hoạt động kinh doanh thường xuyên bị hiểu sai và nhầm lẫn với nhau nhất. Để giúp bạn có thể dễ dàng phân biệt hai khái niệm này, trong bài viết này MIC Creative sẽ phân tích và so sánh điểm giống và khác nhau giữa PR và Marketing một cách chi tiết và dễ hiểu nhất.

PR và Marketing là gì? So sánh giữa PR và Marketing

1. PR và Marketing là gì?

Để có thể phân biệt và so sánh giữa PR và Marketing, trước tiên bạn sẽ cần hiểu rõ khái niệm cơ bản của hai hoạt động này:

1.1. PR là gì?

PR (Public Relations) được dịch sang tiếng Việt là hoạt động quan hệ công chúng. Đây là các hoạt động thuộc quá trình xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, tạo giá trị cầu nối giữa doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức với công chúng. Hoạt động PR sẽ giúp doanh nghiệp có thể củng cố, tạo dựng hình ảnh với không chỉ khách hàng của họ mà còn tới toàn thể cộng đồng người tiêu dùng nói chung.

Hiểu một cách đơn giản: Hoạt động PR là các hoạt động xây dựng cộng đồng khách hàng, tạo dựng hình ảnh tốt về thương hiệu, giúp doanh nghiệp dễ dàng được khách hàng tin tưởng, lựa chọn hơn trên thị trường.

Hoạt động PR có thể được triển khai đa dạng theo nhiều loại hình khác nhau, phổ biến nhất gồm: 

  • Quan hệ truyền thông: Các hình thức truyền thông trên nền tảng báo chí, truyền hình được gọi chung là Quan hệ truyền thông. Hoạt động thường thấy trong hình thức này là phóng sự, phỏng vấn, thông cáo báo chí,…
  • Quan hệ khách hàng: Bao gồm các hoạt động nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, thị trường khách hàng nhằm xây dựng chiến lược đáp ứng được các nhu cầu, xu hướng đó.
  • Quan hệ nội bộ: Xây dựng quy trình, bộ máy làm việc trong nội bộ doanh nghiệp, giúp nhân viên có đủ trình độ và năng lực trở thành đại diện của doanh nghiệp ngoài xã hội.
  • Quan hệ cộng đồng: Giúp cộng đồng nhận thức được sự hiện diện của doanh nghiệp, nâng cao mức độ uy tín và khả năng cạnh tranh của thương hiệu trong khu vực. Các hoạt động phổ biến là từ thiện, xây dựng công trình xã hội,…
  • Xử lý khủng hoảng: Là các hoạt động giúp doanh nghiệp bảo vệ, gìn giữ mức độ uy tín, hạn chế tối đa thiệt hại cho tên tuổi của thương hiệu khi khủng hoảng truyền thông xảy ra.
  • Tổ chức sự kiện: Để nâng cao và gây dựng tên tuổi thương hiệu trong cộng đồng, các hoạt động, sự kiện tại địa phương sẽ là giải pháp hữu hiệu. Doanh nghiệp có thể sử dụng các hoạt động như hội thảo, triển lãm,…

Ví dụ:

Vinamilk đã tổ chức quỹ sữa từ thiện “Vươn cao Việt Nam” thường niên liên tiếp trong 16 năm. Quỹ đã dành tặng hơn 42 triệu hộp sữa miễn phí tới hơn 500.000 trẻ em trên cả nước, với tổng giá trị ước tính là 200 tỷ Đồng. Hoạt động từ thiện này đã khiến thương hiệu trở thành gương mặt tiêu biểu trong công cuộc xã hội và được cộng đồng người tiêu dùng ủng hộ, tin tưởng, tạo ra được giá trị thiện cảm trong mắt công chúng.

Chương trình PR sữa Vươn cao Việt Nam
Chương trình PR sữa Vươn cao Việt Nam

2.2. Marketing là gì?

Marketing (Tiếp thị) là hoạt động quan trọng trong kinh doanh, được các doanh nghiệp thực hiện nhằm xúc tiến và quảng bá cho việc bán sản phẩm, dịch vụ của họ. Các hoạt động Marketing không chỉ được gói gọn trong việc truyền thông và quảng cáo sản phẩm, mà còn được diễn ra xuyên suốt quá trình phát triển sản phẩm, hệ thống doanh nghiệp

Marketing được triển khai nhằm nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, củng cố lòng trung thành từ cộng đồng khách hàng và quan trọng nhất, là nâng cao doanh số bán hàng.

Hiểu một cách chi tiết: Marketing là bất kỳ hành động nào mà doanh nghiệp thực hiện để thu hút khách hàng đến với sản phẩm của họ. Thông qua các nội dung truyền tải và các chiến dịch, Marketing có khả năng làm nổi bật giá trị mà sản phẩm mang lại so với các thương hiệu khác, giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Marketing chủ yếu gồm những hoạt động sau:

  • Nghiên cứu thị trường, khách hàng: Bao gồm tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu nhu cầu thị trường, xu hướng người tiêu dùng, tìm hiểu các chiến lược sản phẩm, chiến lược giá của các đối thủ cạnh tranh,…
  • Xây dựng chiến lược sản phẩm: Từ các nghiên cứu và thống kê, doanh nghiệp sẽ cần xây dựng và đưa ra được các chiến lược sản phẩm, đưa ra các thay đổi sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với thị trường.
  • Triển khai hoạt động quảng cáo, xúc tiến bán hàng: Xây dựng nội dung quảng cáo, chọn kênh phân phối,… nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng tới sản phẩm. Đưa ra các chiến dịch khuyến mãi, giảm giá, quà tặng,… để nâng cao doanh số, kích cầu.
  • Cung cấp thông tin cho khách hàng: Giúp khách hàng có thể dễ dàng nắm bắt được giá trị mà sản phẩm của thương hiệu mang lại và các chiến dịch khuyến mãi đang diễn ra, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
  • Giám sát và đo lường hiệu quả: Thống kê kết quả các hoạt động Marketing, đưa ra các điều chỉnh và phương án cải thiện.

Ví dụ: 

Vẫn là quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”, tuy nhiên xuyên suốt chiến dịch Vinamilk đã không ngừng truyền tải các thông điệp, hình ảnh về sữa Việt Nam chất lượng, “sữa thật 100%”. Từ đó, Vinamilk đã khẳng định được giá trị về sản phẩm của mình, thúc đẩy nhu cầu mua sản phẩm sữa Vinamilk tại thị trường Việt thông qua chiến dịch.

Banner sản phẩm sữa chiến dịch Vươn cao Việt Nam
Banner sản phẩm sữa chiến dịch Vươn cao Việt Nam

2. So sánh giữa PR và Marketing

Vậy là bạn đã nắm bắt được khái niệm giữa PR và Marketing rồi. Từ các khái niệm trên, sự tương đồng giữa PR và Marketing đã được thể hiện rõ rệt: Cả PR và Marketing đều được thực hiện nhằm tương tác, gây dựng và duy trì mối quan hệ với cộng đồng khách hàng thông qua các kênh truyền thông, nhằm đem lại lợi thế kinh doanh cho doanh nghiệp của bạn.

Về hình thức vận hành, hai hoạt động này có các đặc điểm sau:

PR (Public Relations) Marketing
Mục tiêu chính
  • Xây dựng và duy trì hình ảnh, uy tín của thương hiệu
  • Tạo niềm tin và mối quan hệ tốt với khách hàng, đối tác kinh doanh.
  • Tăng doanh số, thị phần của sản phẩm, dịch vụ
  • Hình thành nhu cầu và thu hút khách hàng mục tiêu.
Phạm vi Cải thiện, quảng bá hình ảnh của toàn thể doanh nghiệp, thương hiệu. Tập trung vào một hoặc một nhóm sản phẩm dịch vụ cụ thể.
Đối tượng truyền thông Phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp muốn thương hiệu nổi bật tới đối tượng nào. Chủ yếu là khách hàng.
Các chiều tương tác kênh Thông tin được truyền tải có sự tương tác đa chiều: Sự kiện, triển lãm, họp báo,… Thông tin được truyền tải một chiều trên Internet, báo, đài, mạng xã hội,…
Tác động Hình ảnh, uy tín thương hiệu được gây dựng sẽ để lại tác động lâu tích cực lâu dài. Doanh số gia tăng chỉ giới hạn trong từng chiến dịch cụ thể.

Với các phân tích từ bảng trên, tính chất giữa 02 hoạt động PR và Marketing được thể hiện có sự khác biệt như sau:

  • Hoạt động triển khai: Công việc PR sẽ thường xoay quanh các hoạt động như viết thông cáo báo chí, đưa ra những câu chuyện tích cực về công ty và xây dựng mối quan hệ với giới truyền thông. Trong khi đó, đội ngũ Marketing tập trung hơn vào việc lên kế hoạch ra mắt sản phẩm, tạo các chiến dịch tiếp thị và tiến hành nghiên cứu khách hàng.
  • Đối tượng truyền thông: Một điểm khác biệt nữa giữa hai bộ phận là đối tượng khán giả mà họ tiếp cận. Bộ phận PR sẽ tạo chiến dịch tương tác với khán giả, đơn vị khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của công ty. Marketing sẽ thường chỉ tập trung chủ yếu vào việc tiếp cận khách hàng và khách hàng tiềm năng.

Ví dụ: Nếu doanh nghiệp của bạn cần thu hút, tạo ra sự ảnh hưởng truyền thông, nâng cao uy tín thương hiệu, đội ngũ PR sẽ triển khai truyền thông trên nền tảng báo chí, nơi được đa số người dân xem là nguồn thông tin uy tín.

  • Mục tiêu: PR tập trung vào việc tạo ra hình ảnh tích cực cho thương hiệu và xây dựng mối quan bền vững với các bên đối tác. Ngược lại, mục tiêu của Marketing là tiếp cận khách hàng tiềm năng và tăng doanh số bán hàng.
  • Thước đo thành công: Chiến dịch PR được xem là thành công nếu như nó tạo được tiếng vang tích cực cho thương hiệu. Đối với hoạt động Marketing, bạn có thể đánh giá mức độ thành công dựa trên các chỉ số như ROI, doanh thu, doanh số,…

3. Tại sao lại có sự nhầm lẫn giữa PR và Marketing?

Tuy bản chất của 02 hoạt động nêu trên là khác nhau, trong quá trình thực hiện các chiến dịch truyền thông – tiếp thị, hai hoạt động này sẽ có sự đan xen, chồng chéo. Thường xuyên, các phòng ban sẽ cần phối hợp cả PR và Marketing để đảm bảo chiến dịch có thể được triển khai đa kênh, hướng tới được khách hàng, đem lại giá trị cho cả tên tuổi thương hiệu lẫn doanh thu, doanh số.

Điển hình nhất có thể thấy chính là trong các hoạt động quảng bá, ra mắt sản phẩm mới. Một sản phẩm mới được tung ra thị trường sẽ cần triển khai kết hợp cả hoạt động PR Marketing, giúp tạo nhu cầu về sản phẩm và gia tăng nhận thức của người dùng về sản phẩm và doanh nghiệp.

Để lấy ví dụ về quảng cáo và PR, ta có thể tham khảo chiến dịch của Pepsi với sản phẩm mới Pepsi Muối:

  • Với đối tượng truyền thông, khách hàng là giới trẻ, thương hiệu đã triển khai hoạt động PR Marketing trên các nền tảng mạng xã hội TikTok, hợp tác với các KOL, KOC nổi tiếng, là những người được giới trẻ Việt Nam quan tâm nhiều.
  • Không chỉ vậy, chiến dịch còn tạo ra giá trị cho cộng đồng khi kết hợp sản phẩm Pepsi “Muối” với chủ đề được xã hội quan tâm là “Tết nhạt”. Sự tương phản này đã góp phần khắc họa lên được sự thờ ơ của xã hội đối với ngày lễ cổ truyền dân tộc do nhịp sống, công việc nhanh và bộn bề.
Chiến dịch Pepsi Muối tại Việt Nam
Chiến dịch Pepsi Muối tại Việt Nam

Không chỉ Pepsi, các thương hiệu nổi tiếng khác như Vinamilk, Coca-cola, SaigonTourist,… cũng triển khai kết hợp cả PR và Marketing trong các chiến dịch của họ. Do được tiếp xúc nhiều với hình thức kết hợp triển khai này, cũng như sự tương đồng trong cả hai hoạt động, việc nhầm lẫn giữa PR và Marketing là điều dễ hiểu trong tâm trí không ít người.

4. Lời kết

Qua bài viết này, MIC Creative đã so sánh về PR và Marketing, cũng như đưa ra các định nghĩa. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn có thể hiểu rõ bản chất của PR và Marketing, giúp bạn có thể phân biệt hai hoạt động trên chính xác hơn. 

Nếu bạn đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ Marketing – Truyền thông – Quảng cáo, hãy liên hệ ngay với MIC Creative để được tư vấn giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi tự tin là đối tác Marketing nắm bắt thị trường, thấu hiểu khách hàng, thành thạo công cụ và luôn luôn sáng tạo. 

MIC CREATIVE – Your Success, Our Future

Đánh giá của bạn post

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email

Mỗi ngày, chúng tôi học hỏi một điều mới về Marketing và chia sẻ cho bạn, để ngày mai của bạn trở nên thành công rực rỡ hơn ngày hôm qua.

Picture of MIC Creative

MIC Creative

Xem hồ sơ
Marketing