TikTok Analytics là gì? Cách xem và đọc hiểu các chỉ số

Đăng ngày: 04/03/2025
TikTok Analytics là trợ thủ đắc lực cho các nhà sáng tạo nội dung và những thương hiệu đang hiện diện trên TikTok. Nếu hiểu hơn về công cụ này, bạn sẽ thấy chức năng của “trợ thủ” này không dừng lại ở việc cung cấp các con số tương tác giữa người dùng với nội dung, mà còn thể hiện những hành vi mua hàng tiềm năng. Điều này giúp cho thương hiệu hiểu chính xác hơn tệp khán giả để phát triển các nội dung thương mại phù hợp. Vậy nên trong bài viết này MIC Creative sẽ giải đáp cho bạn sâu hơn về TikTok Analytics là gì, cùng với đó cách xem và đọc hiểu từng chỉ số. Mời bạn cùng chúng tôi tham khảo hết bài viết này nhé!
TikTok Analytics là gì? Cách xem và đọc hiểu các chỉ số

1. TikTok Analytics là gì?

TikTok Analytics là công cụ giúp doanh nghiệp và nhà sáng tạo theo dõi hiệu quả video đã đăng. Tính năng này cung cấp thông tin như số liệu người xem, chân dung người theo dõi, và lượt truy cập hồ sơ.
Mục đích sử dụng TikTok Analytics là giúp bạn dễ dàng xác định nội dung hoạt động tốt, điều chỉnh chiến lược để tối ưu hóa hiệu quả. Ví dụ, nếu một video không thu hút, bạn nên tránh đăng nội dung tương tự. Ngược lại, với video nhận được nhiều sự quan tâm, hãy tạo thêm các nội dung tương tự để duy trì đà tăng trưởng.
Giới thiệu về TikTok Analytics
Giới thiệu về TikTok Analytics

2. Vai trò thực tiễn của TikTok Analytics

TikTok Analytics là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp và nhà sáng tạo nội dung hiểu rõ hiệu suất hoạt động trên nền tảng TikTok. Vai trò thực tiễn của TikTok Analytics bao gồm:
  • Đánh giá hiệu suất nội dung: Công cụ cung cấp dữ liệu chi tiết về lượt xem, lượt thích, bình luận và chia sẻ của từng video, giúp bạn xác định nội dung nào thu hút và tương tác tốt với khán giả.
  • Hiểu rõ đối tượng khán giả: TikTok Analytics thu thập các thông tin về đặc điểm nhân khẩu học của người theo dõi, như độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý. Điều này hỗ trợ thương hiệu điều chỉnh nội dung phù hợp với sở thích và thói quen của khán giả mục tiêu.
  • Tối ưu hóa chiến lược nội dung: Bằng cách phân tích xu hướng và hành vi của người dùng, bạn có thể xác định thời điểm đăng bài hiệu quả, sử dụng âm thanh và hashtag phổ biến, cũng như tham gia các thử thách thịnh hành để tăng khả năng tiếp cận và tương tác.
  • Đo lường hiệu quả chiến dịch: TikTok Analytics cho phép theo dõi và đánh giá hiệu suất của các chiến dịch quảng cáo, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị và cải thiện lợi tức đầu tư (ROI)

3. Cách truy cập TikTok Analytics

3.1. Cách mở TikTok Analytics trên điện thoại

  • Mở TikTok Analytics trên điện thoại Iphone
Bước 1: Mở ứng dụng TikTok >> Vào Hồ sơ >> Chọn biểu tượng Ba dấu gạch ngang ở góc trên cùng bên phải >> Chọn TikTok Studio.
Bước 2: Trong bảng TikTok Studio, chọn Xem tất cả thuộc Phân tích để xem toàn bộ các chỉ số quan trọng của TikTok Analytics.
Các bước mở TikTok Analytics trên Iphone
Các bước mở TikTok Analytics trên Iphone
  • Mở TikTok Analytics trên điện thoại Android
Bước 1: Truy cập vào Hồ sơ cá nhân trên TikTok >> Chọn Ba dấu gạch ngang ở góc trên cùng bên phải >> Chọn TikTok Studio.
Bước 2: Bạn chọn Xem tất cả thuộc mục Phân tích để truy cập công cụ TikTok Analytics.
Các bước mở TikTok Analytics trên máy Android
Các bước mở TikTok Analytics trên máy Android

3.2. Cách truy cập TikTok Analytics trên máy tính

Bước 1: Đăng nhập tài khoản của bạn trong website TikTok trên máy tính.
Bước 2: Chọn biểu tượng Ba chấm nằm dưới cùng thanh menu bên trái màn hình >> Chọn Bộ công cụ dành cho doanh nghiệp.
Truy cập bộ công cụ dành cho doanh nghiệp
Truy cập bộ công cụ dành cho doanh nghiệp
Bước 3: Trong trang các công cụ dành cho doanh nghiệp, chọn Phân tích để xem phân tích chi tiết các chỉ số.
TikTok Analytics trên giao diện máy tính
TikTok Analytics trên giao diện máy tính
Hoặc bạn có thể truy cập trực tiếp vào TikTok Studio theo đường liên kết tại đây. Sau khi truy cập liên kết, bạn tiến hành các bước đăng nhập TikTok như bình thường để xem công cụ TikTok Analytics.

4. Khám phá các chỉ số quan trọng trên TikTok Analytics

Sau khi tìm hiểu cơ bản về khái niệm TikTok Analytics là gì, chúng tôi tin bạn đã hiểu rõ hơn về tính năng này là một công cụ toàn diện trợ giúp cho các nhà sáng tạo nội dung cũng như những thương hiệu đang xây dựng nội dung thương mại trên nền tảng có hơn 1,5 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Vậy ngoài trả lời câu hỏi TikTok Analytics là gì, chúng tôi còn cung cấp nội dung sâu hơn với các thông tin về chỉ số quan trọng của công cụ. Trong TikTok Analytics gồm có Tổng quát (Overview), Nội dung (Content), Người xem (Viewers), Người theo dõi (Followers)Livestream (LIVE), với phạm vi bài viết này chúng ta sẽ sử dụng giao diện trên điện thoại để tất cả người đọc dễ dàng quan sát và thao tác theo

4.1. Chỉ số Tổng quát (Overview)

Phần Tổng quát cung cấp biểu đồ cột hiển thị số lượt xem video của bạn trong 7 ngày gần nhất. Bạn cũng có thể xem các chỉ số tương tác video trong khoảng thời gian 7, 28, hoặc 60 ngày, hoặc tùy chỉnh khoảng thời gian cụ thể. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về sự tăng trưởng, biến động và xu hướng hoạt động trên tài khoản của mình.
Với bảng bảng Số liệu chính trong mục Tổng quát sẽ gồm những thông tin sau:
  • Lượt xem bài đăng (Post views): Tổng số lần bài đăng của bạn được xem. Chỉ số cho phép bạn hiểu mức độ tăng trưởng nội dung cũng như hiểu được thói quen, hành vi người xem.
  • Lượt xem hồ sơ (Profile views): Số lần hồ sơ của bạn được truy cập, so sánh theo các khoảng thời gian cụ thể (7 ngày, 28 ngày, 60 ngày hoặc tùy chỉnh).
  • Lượt thích (Likes): Số lần người xem bấm thích bài đăng của bạn.
  • Bình luận (Comments): Tổng số bình luận nhận được trên bài đăng của bạn.
  • Lượt chia sẻ (Shares): Số lần bài đăng của bạn được chia sẻ.
Kéo xuống bên dưới là thông tin thêm về Nguồn lưu lượng truy cập. Tại đây sẽ hiển thị những nơi mà người xem khám phá ra bài đăng của bạn. Cụ thể là các loại nguồn chính trên TikTok bao gồm bảng tin Đề xuất, trang Đã Follow, trang âm thanh, trang hồ sơ, trang tìm kiếm và tin nhắn trực tiếp. Các loại nguồn khác thuộc nhóm “Khác”.
Cuối cùng là bảng Truy vấn tìm kiếm, đây là những truy vấn tìm kiếm từ người xem đã dẫn họ đến bài đăng của bạn. Lưu ý, thông tin sẽ chỉ hiển thị dữ liệu trong thời gian 90 ngày qua.
Các thông tin chỉ số trong mục Tổng quát
Các thông tin chỉ số trong mục Tổng quát

4.2. Chỉ số Nội dung (Content)

Mục Nội dung cung cấp thông tin chi tiết về nội dung bạn đã đăng tải, bao gồm danh sách các video có lượt xem cao nhất. Các số liệu về nội dung được hiển thị trong các khoảng thời gian 7, 28, 60 hoặc 365 ngày, hoặc bạn có thể tùy chỉnh khoảng thời gian cụ thể.
Tiêu chí để các bài đăng hoạt động tốt nhất sẽ được xếp hạng cao gồm có:
  • Nhiều lượt xem nhất (Most views)
  • Nhiều người xem mới nhất (Most new viewers)
  • Nhiều lượt thích nhất (Most likes)
  • Người theo dõi mới (Follower mới)
Để nắm bắt chi tiết dữ liệu người xem, bạn có thể bấm vào từng video hiển thị trong mục nội dung. Trong đó bạn sẽ bắt gặp mục sau kèm các chỉ số riêng:
  • Mục Tổng quan:
    • Thời gian xem trung bình (Average watch time): Thời gian trung bình mà khán giả xem video của bạn. Đây là chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ hấp dẫn của nội dung. Đồng thời, bạn còn thấy được tần suất khán giả xem hết toàn bộ video.
    • Tổng thời gian phát (Total playtime): Tổng thời gian xem được tích lũy từ tất cả người dùng đã xem video. Đây là số liệu hữu ích để so sánh hiệu suất giữa các video.
    • Số lượt xem video: Số lần người xem đã xem video của bạn trong phạm vi ngày được hiển thị. Dữ liệu sẽ hiển thị hằng giờ (trong vòng 48 giờ sau khi đăng) và hằng ngày (từ 48 giờ đến 7 ngày sau khi đăng).
    • Đã xem hết video: Phần trăm người xem đã xem hết video của bạn.
    • Follower mới: Số lượng người xem đã bắt đầu follow bạn.
    • Tỷ lệ duy trì: Tỷ lệ phần trăm người xem đang xem video của bạn tại một thời điểm cụ thể. Ví dụ, trung bình người xem đã xem 45% video của bạn, hầu hết người xem dừng tại thời điểm 0:01 giây
    • Nguồn lưu lượng truy cập: Hiển thị những nơi mà người xem khám phá ra bài đăng của bạn trên TikTok
Các chỉ số nằm trong Tổng quan
Các chỉ số nằm trong Tổng quan
  • Mục Người xem:
    • Tổng số người xem: Đo tổng số người xem không trùng lặp đã xem video này.
    • Loại người xem: Gồm có Người xem quay lại, Người xem mới; Follower; Những người không follow.
    • Giới tính: Biểu đồ cột cho biết tỷ lệ phần trăm người xem là giới tính nào (nam, nữ hoặc khác).
    • Tuổi: Tỷ lệ phần trăm các nhóm tuổi xem video của bạn.
    • Vị trí: Hiển thị Quốc gia/khu vực và thành phố hàng đầu nơi người xem của bạn đến từ đó
Các chỉ số nằm trong Người xem
Các chỉ số nằm trong Người xem
  • Mục tương tác:
    • Từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trong bình luận: Những thông tin chuyên sâu này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về những từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trong bình luận cho video của bạn.
    • Lượt thích: Tỷ lệ phần trăm người xem thích video của bạn tại một thời điểm cụ thể.
Các chỉ số nằm trong phần Tương tác
Các chỉ số nằm trong phần Tương tác

4.3. Chỉ số Người theo dõi (Followers)

Mục này tập trung vào các chỉ số liên quan đến người theo dõi, cung cấp thông tin chi tiết về đối tượng khán giả để đảm bảo nội dung của bạn phù hợp và thúc đẩy tăng trưởng Followers.
Các chỉ số chính thuộc mục Người theo dõi gồm có:
  • Tổng số người theo dõi : Số lượng người theo dõi kể từ khi bạn tham gia TikTok. Con số này sẽ không thay đổi kể cả khi bạn lựa chọn khoảng thời gian xem khác nhau.
  • Số follower ròng: Số lượng người theo dõi mới trong một khoảng thời gian cụ thể, so sánh với giai đoạn trước đó.
  • Biểu đồ tăng trưởng: Hiển thị xu hướng tăng trưởng người theo dõi mới theo thời gian.
Bên cạnh đó, TikTok Analytics cung cấp thêm các Thông tin chuyên sâu (Các thông tin chi tiết về người theo dõi). Cụ thể là những thông tin sau:
  • Giới tính: Biểu đồ cột cho biết tỷ lệ phần trăm người theo dõi là giới tính nào (nam, nữ hoặc khác).
  • Nhóm tuổi: Phân tích người theo dõi theo độ tuổi, với các nhóm tuổi từ 18 đến 55+ và tỷ lệ phần trăm tương ứng.
  • Vị trí: Danh sách các quốc gia có tỷ lệ người theo dõi cao nhất, giúp bạn hiểu khán giả của mình tập trung ở đâu.
Một chỉ số nằm dưới cùng của mục Người theo dõi là Thời gian hoạt động chủ yếu (Most active times). Đây là thời gian trung bình mà người theo dõi của bạn hoạt động trên TikTok, hiển thị theo giờ và ngày trong tuần. Dựa vào đó, bạn có thể quyết định chính xác thời điểm tốt nhất để đăng video, giúp tiếp cận đến số đông người theo dõi của bạn.
Thông tin các chỉ số trong phần Người theo dõi
Thông tin các chỉ số trong phần Người theo dõi

4.4. Chỉ số Người xem (Viewers)

Mục Người xem được phát triển để giúp thương hiệu hay cá nhân người đăng tải nội dung nắm được số lượng người chỉ xem mà không nhấn đăng ký theo dõi kênh của bạn. Trong đó được chia thành 3 mục nhỏ là Số liệu chính, Thông tin chuyên sâu về người xem, Thời gian hoạt động nhiều nhất.
Số liệu chính gồm các chỉ số sau:
  • Tổng số người xem: Số lượng người xem kể từ khi bạn tham gia TikTok. Con số này sẽ thay đổi khi bạn lựa chọn khoảng thời gian xem khác nhau.
  • Người xem mới: Số lượng người xem mới xét trong từng thời gian cụ thể (7 ngày, 28 ngày, 60 ngày, 365 ngày hoặc thời gian tùy chỉnh).
  • Biểu đồ tăng trưởng: Hiển thị xu hướng tăng, giảm người xem theo từng khoảng thời gian.
Đối với Thông tin chuyên sâu về người xem, TikTok Analytics cung cấp các chỉ số tương tương tự như Thông tin chuyên sâu của mục Người theo dõi, bao gồm:
  • Giới tính
  • Tuổi
  • Vị trí
Bên cạnh đó, công cụ cũng cung cấp thêm chỉ số đo lường thông tin Thời gian hoạt động nhiều nhất. Bạn có thể xem được cụ thể Giờ và Ngày khán giả xem video của bạn. Thông tin này sẽ rất hữu ích để bạn chọn lựa thời điểm đăng tải nội dung với mục đích tăng nhiều traffic và gia tăng người theo dõi.
Các chỉ số trong phần Người xem
Các chỉ số trong phần Người xem

4.5. Chỉ số TikTok Live

Mục TikTok LIVE trong TikTok Analytics đưa bạn đến LIVE Center, nơi cung cấp thông tin chi tiết về các buổi phát trực tiếp trong 28 ngày qua (nếu có). Tại đây, bạn có thể theo dõi được các thông tin chỉ số sau:
  • Tổng lượt xem: Số lượng người xem các video trực tiếp trong khoảng thời gian bạn chọn.
  • Tổng thời gian phát trực tiếp: Thời gian bạn đã dành để phát trực tiếp trong khoảng thời gian được chọn.
  • Người theo dõi mới: Số người bắt đầu theo dõi bạn khi bạn đang phát trực tiếp.
  • Lượt xem cao nhất: Số lượng người xem cao nhất tại một thời điểm cụ thể trong buổi phát trực tiếp.
  • Lượt xem duy nhất: Số lượng người xem video trực tiếp ít nhất một lần (mỗi người chỉ được tính một lần, ngay cả khi họ xem lại).
  • Số lượng kim cương: Quà tặng ảo từ người xem mà bạn có thể đổi lấy tiền thông qua TikTok.
  • Xếp hạng người xem: Xếp hạng những người xem có số lượng quà tặng và thời gian xem cao nhất.
  • Lượt xem theo phân mục: Lượt xem đến từ các tệp người xem nào (Thông qua lượt chia sẻ, thông qua các người dùng đang theo dõi bạn,..)
Các chỉ số trong phần TikTok Live
Các chỉ số trong phần TikTok Live

4.6. Các chỉ số quan trọng khác trên TikTok cần chú ý

  • Chỉ số Hashtag Views
Hashtag Views là số lần video được xem khi có gắn kèm một hashtag cụ thể. Đây là một chỉ số quan trọng giúp bạn đánh giá mức độ tiếp cận và phổ biến của nội dung. Bạn có thể tận dụng các Hashtags để tăng lượt tiếp cận (reach) và mức độ gắn kết (engagement) theo một số cách sau:
  • Sử dụng các hashtag thịnh hành phù hợp với nội dung để tăng cơ hội xuất hiện trên trang For You.
  • Kết hợp giữa hashtag phổ biến và hashtag ngách (niche) để tiếp cận đúng đối tượng.
  • Theo dõi và cập nhật xu hướng hashtag định kỳ để không bị lỗi thời.
Ví dụ: nếu bạn đang làm video về những món quà Tết 2025 và muốn sản phẩm của mình được quảng bá trong đó. Lúc này bạn cần tìm hiểu xem những hashtag nào phù hợp nhất với loại hình sản phẩm này và chọn ra Top 5 để gắn vào video của bạn.
Giả sử bạn đang phân vân giữa #quatet2025 hay #setquatet2025, bạn có thể tìm riêng từng hashtag và so sánh lượt view của chúng:
  • #quatet2025 có 11,8 nghìn view
  • #setquatet2025 có 1538 nghìn view
Sau khi so sánh, chúng tôi gợi ý bạn nên chọn cụm từ #quatet2025.
  • Tổng số lượt thích trên tài khoản
Tổng số lượt thích là chỉ số hiển thị trực tiếp trên trang cá nhân của bạn, phản ánh mức độ yêu thích từ người xem đối với tất cả video bạn đã đăng tải. Tổng số lượt thích có thể ảnh hưởng đến thuật toán TikTok như sau:
  • TikTok đánh giá video dựa trên tỷ lệ lượt thích / lượt hiển thị (likes per view) để quyết định việc phân phối nội dung rộng hơn.
  • Video có tỷ lệ thích cao sẽ có cơ hội được ưu tiên trên trang For You, giúp tài khoản tăng trưởng nhanh hơn.
Vậy đâu là sự khác biệt giữa tổng lượt thích và engagement rate?
  • Tổng lượt thích: Tổng số lần video được nhấn thích trên toàn bộ tài khoản, nhưng không phản ánh chính xác mức độ tương tác trên từng video.
  • Tỷ lệ tương tác (Engagement Rate): [(Lượt thích + Bình luận + Chia sẻ)/Lượt xem] x 100%.
Và tỷ lệ tương tác là chỉ số này quan trọng hơn khi đánh giá hiệu quả nội dung vì nó phản ánh mức độ quan tâm thực sự từ người xem.
Tổng số lượt thích trang
Tổng số lượt thích trang

5. Sử dụng TikTok Analytics để tăng hiệu quả cho nội dung trên TikTok.

Chúng ta đã đi qua các giai đoạn từ tìm hiểu TikTok Analytics là gì cho đến việc khám phá và đọc hiểu từng chỉ số của công cụ này. Sau khi đã hiểu những thông tin cơ bản này, MIC Creative sẽ cung cấp thêm cho bạn chiến lược để sử dụng TikTok Analytics hiệu quả cho các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng này.

5.1. Xác định thời gian đăng

Thời điểm đăng tải đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận người xem và tác động trực tiếp đến hiệu suất video. Đăng bài vào khung giờ tối ưu giúp nội dung tiếp cận được nhiều người hơn, từ đó gia tăng khả năng tương tác và viral.
  • Phân tích thời gian hoạt động của followers
TikTok Analytics cung cấp dữ liệu chi tiết về thời gian người theo dõi của bạn hoạt động nhiều nhất. Điều này giúp bạn:
  • Xác định khung giờ có lượng người xem cao nhất, từ đó điều chỉnh lịch đăng bài phù hợp.
  • Theo dõi mục Người theo dõi trên TikTok Analytics để nhận diện các khoảng thời gian có tỷ lệ hoạt động đỉnh điểm.
  • Thử nghiệm và đo lường hiệu suất theo từng khung giờ
Việc thử nghiệm giúp bạn tìm ra thời điểm đăng bài hiệu quả nhất bằng cách:
  • Đăng tải nội dung vào các khung giờ khác nhau và theo dõi các chỉ số quan trọng như Lượt xem, Tỷ lệ hoàn thành video, Tương tác.
  • Sau 1-2 tuần, tổng hợp dữ liệu và xác định khung giờ tối ưu để duy trì lịch đăng bài nhất quán.

5.2. Tối ưu hóa nội dung dựa trên chỉ số video

Dữ liệu từ TikTok Analytics giúp bạn hiểu rõ cách người xem tương tác với nội dung, từ đó tinh chỉnh chiến lược sản xuất video nhằm tối đa hóa thời gian xem và mức độ gắn kết.
  • Điều chỉnh độ dài video để giữ chân người xem
Tỷ lệ hoàn thành video (Video Completion Rate) là một trong những yếu tố quan trọng giúp thuật toán TikTok đánh giá chất lượng nội dung. Để cải thiện chỉ số này, bạn có thể:
  • Theo dõi dữ liệu để xác định thời điểm người xem thường rời khỏi video.
  • Nếu tỷ lệ hoàn thành thấp, thử nghiệm rút ngắn thời lượng hoặc xây dựng nội dung hấp dẫn ngay từ 3 giây đầu tiên để giữ chân khán giả.
  • Xây dựng nội dung theo sở thích của followers
Nội dung phù hợp với thị hiếu người xem sẽ tạo ra mức độ tương tác cao hơn. Để tối ưu hóa:
  • Sử dụng phần Nội dung trong TikTok Analytics để xác định loại video mang lại hiệu suất tốt nhất (hướng dẫn, thử thách, vlog, giải trí…).
  • Nếu đối tượng chính của bạn quan tâm đến nội dung giáo dục, hãy tập trung vào video chia sẻ kiến thức ngắn gọn, dễ hiểu, có tính ứng dụng cao.

5.3. Chiến lược nâng cao mức độ tương tác (Engagement Rate)

Tỷ lệ tương tác là kết quả tổng hợp của những chỉ số Lượt thích, Lượt bình luận, Lượt chia sẻ và Lượng người xem. Để nâng cao mức độ tương tác, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:
  • Tận dụng CTA (Call to Action) để tăng lượt bình luận, chia sẻ
TikTok đánh giá cao nội dung có lượng tương tác mạnh, do đó bạn có thể kích thích người xem với một vài chiến thuật sau:
  • Thêm lời kêu gọi hành động trong phần mô tả hoặc nội dung video, chẳng hạn: “Bạn nghĩ gì về chủ đề này? Bình luận ngay bên dưới nhé!”.
  • Khuyến khích khán giả tag bạn bè hoặc tham gia vào thử thách để mở rộng phạm vi tiếp cận.
  • Kết hợp TikTok trends & hashtags phổ biến để tối đa hóa độ phủ
Như đã đề cập trong phần 4.5. Các chỉ số quan trọng khác trên TikTok cần chú ý, các Hashtags sẽ như một sợi dây liên kết tới các nội dung được đề xuất xem cho những người dùng nền tảng. Bởi vậy bạn có thể tận dụng các Hashtags theo một số gợi ý sau:
  • Phân loại hashtags theo mục đích như hashtags theo xu hướng, theo ngành, theo thương hiệu.
  • Tận dụng các Hashtags Challenge để thúc đẩy tương tác và độ lan tỏa nội dung.
  • Theo dõi TikTok Trends và tham gia các thử thách đang được quan tâm để tăng khả năng xuất hiện trên FYP.

6. Một số câu hỏi thường gặp với TikTok Analytics

  • Xem TikTok Analytics có mất phí không?
Câu trả lờ là Không, TikTok Analytics là công cụ miễn phí dành cho tất cả người dùng TikTok. Bạn chỉ cần có tài khoản TikTok và đã đăng ít nhất một video để truy cập tính năng này.
  • Tại sao không xem được TikTok Analytics?
Nếu TikTok Analytics không hiển thị, bạn hãy thử các cách sau:
  • Khởi động lại ứng dụng TikTok: Đôi khi chỉ cần khởi động lại ứng dụng để khắc phục lỗi.
  • Kiểm tra tình trạng máy chủ TikTok: Nếu TikTok gặp sự cố hệ thống hoặc ngừng hoạt động, bạn có thể kiểm tra trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter với hashtag #TikTokDown.
  • Cập nhật ứng dụng: Đảm bảo TikTok của bạn đang chạy phiên bản mới nhất, vì các bản cập nhật thường sửa lỗi và cải thiện hiệu suất.
  • Xóa bộ nhớ đệm: Vào Cài đặt & Quyền riêng tư, chọn Cache và Dữ liệu Di động, sau đó nhấn Xóa bộ nhớ đệm để làm mới ứng dụng.
  • Tôi cần xem chỉ số nào để xác định chiến lược cải thiện mức độ tương tác trên TikTok?
Để cải thiện mức độ tương tác trên TikTok, bạn nên chú ý các chỉ số sau:
  • Lượt xem video: Đánh giá mức độ phổ biến của nội dung.
  • Lượt thích, bình luận và chia sẻ: Phản ánh mức độ tương tác của khán giả với video của bạn.
  • Tỷ lệ tương tác: Đo lường bằng cách tính tổng lượt thích, bình luận và chia sẻ, sau đó chia cho tổng lượt xem và nhân với 100%.
  • Thời gian xem trung bình: Cho biết mức độ hấp dẫn của video đối với người xem.
Phân tích các chỉ số này giúp bạn hiểu rõ nội dung nào thu hút khán giả, từ đó điều chỉnh chiến lược nội dung phù hợp
  • Phải mất bao lâu để dữ liệu được cập nhật thống kế trên TikTok Analytics?
Dữ liệu trên TikTok Analytics thường được cập nhật trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi hoạt động diễn ra. Tuy nhiên, thời gian cập nhật có thể thay đổi tùy theo từng chỉ số và khu vực.
  • Có thể tải dữ liệu phân tích trên TikTok Analytics về máy không?
Có, bạn có thể tải xuống dữ liệu từ TikTok Analytics. Tuy nhiên, tính năng này chỉ khả dụng trên phiên bản máy tính. Đồng thời, dữ liệu tải xuống thường ở định dạng CSV, giúp bạn dễ dàng phân tích và lưu trữ. Để tải dữ liệu:
  • Thực hiện các bước như Hướng dẫn truy cập TikTok Analytics trên máy tính trên
  • Tại trang Analytics, bạn sẽ thấy tùy chọn Tải xuống dữ liệu ở góc trên bên phải.

7. Kết luận

Qua bài viết này, chúng tôi đã có cơ hội giới thiệu cho bạn về công cụ TikTok Analytics là gì, kèm theo những giải đáp về các chỉ số quan trọng của công cụ. Bên cạnh đó là chiến lược sử dụng TikTok Analytics hiệu quả cho các nội dung trên nền tảng TikTok. Mong rằng những kiến thức này sẽ giúp bạn áp dụng thành công vào quá trình đo lường tối ưu các nội dung trên TikTok.
Nếu bạn đang có nhu cầu liên quan đến dịch vụ quảng cáo TikTok Ads cùng các dịch vụ khác, hãy liên hệ ngay với MIC Creative để được tư vấn giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi tự tin là đối tác Marketing nắm bắt thị trường, thấu hiểu khách hàng, thành thạo công cụ và luôn luôn sáng tạo.
5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email

Mỗi ngày, chúng tôi học hỏi một điều mới về Marketing và chia sẻ cho bạn, để ngày mai của bạn trở nên thành công rực rỡ hơn ngày hôm qua.

Picture of MIC Creative

MIC Creative

Xem hồ sơ
Marketing