Điểm chạm mới của KFC với khách hàng
Vào ngày 13/6/2024, KFC Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành thương hiệu đầu tiên trong ngành đồ ăn nhanh tại Việt Nam tổ chức livestream bán hàng trên TikTok. Người dùng có thể đặt món trực tiếp trong khi xem livestream, đồng thời tương tác, giải trí và nhận đồ ăn chỉ trong vòng một giờ với mức phí giao hàng chỉ 10.000 đồng. Các phiên livestream của KFC chủ yếu diễn ra vào khung giờ trưa và chiều tối, thời điểm phù hợp với nhu cầu ăn uống của khách hàng, đồng thời hợp tác với các đối tác chiến lược để làm phong phú thêm thực đơn bán hàng và tận dụng sự phổ biến của các mã giảm giá – một đặc sản trên nền tảng TikTok – để thu hút lượng lớn khách hàng “chốt đơn”. Theo đại diện của KFC, bán hàng qua kênh online tạo ra sự trực quan, giúp khách hàng dễ hình dung và lựa chọn món ăn ưng ý, khâu giao hàng cũng có thể được thực hiện chỉ trong thời gian ngắn.
Tại sự kiện Việt Nam Mega Sales 2024 do TikTok tổ chức mới đây, ông Stephen Nguyễn, Co-founder & CGO của Byte Media – đơn vị phụ trách triển khai chiến dịch cho KFC đã tiết lộ rằng sau 4 phiên livestream, tỷ lệ doanh thu trên chi phí quảng cáo (ROAS) của KFC đã tăng từ 400% lên hơn 1.000%. Điều này chứng tỏ rằng chiến lược sử dụng các sản phẩm flash sale và combo đặc biệt theo khung giờ đã kích thích mạnh mẽ hành vi mua hàng của người dùng, giúp KFC đạt được doanh số ấn tượng trong thời gian ngắn.
Đại diện KFC Việt Nam chia sẻ: “Đây là bước tiến mới trong xu hướng tăng trải nghiệm của khách hàng mà KFC muốn mang đến cho tất cả mọi người. Từ nay, mọi người có thể tiếp cận món gà rán KFC không chỉ tại hệ thống nhà hàng, mà còn thông qua livestream trên nền tảng TikTok được thực hiện thường xuyên và liên tục”.
Mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường F&B
Việc KFC Việt Nam tiên phong sử dụng TikTok để livestream bán hàng không chỉ đơn thuần là một bước đi chiến lược mà còn có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành F&B. Trước đây, TikTok được biết đến như một nền tảng giải trí và một sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng sản phẩm, nhưng giờ đây, việc người dùng có thể đặt đồ ăn nhanh trực tiếp trên TikTok đã phá vỡ những giới hạn trước đó. Việc KFC tham gia vào hình thức này đánh dấu sự chuyển mình của các thương hiệu đồ ăn nhanh, khi họ không chỉ cạnh tranh trong không gian cửa hàng vật lý mà còn bắt đầu cạnh tranh mạnh mẽ trong không gian trực tuyến.
Với sự phát triển mạnh mẽ của TikTokShop, thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam cũng có thể sẽ có sự dịch chuyển mới. Theo Tech in Asia, TikTok đang thử nghiệm nhiều tính năng mới liên quan đến F&B, như mua theo nhóm và bán voucher ăn uống tại một số thị trường Đông Nam Á. Việt Nam có thể sẽ là thị trường tiếp theo mà TikTok mở rộng các tính năng này, điều này hứa hẹn sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nền tảng giao đồ ăn như GrabFood, ShopeeFood. Như đã thấy ở lĩnh vực thương mại điện tử, TikTok đã nhanh chóng vượt qua nhiều đối thủ lớn để chiếm lĩnh thị phần, và điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong lĩnh vực giao đồ ăn.
Tóm lại, có thể thấy KFC Việt Nam không chỉ đơn thuần mở ra một kênh bán hàng mới mà còn đánh dấu một bước chuyển đổi trong cách các thương hiệu đồ ăn nhanh tiếp cận khách hàng. Livestream bán hàng trên TikTok đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tăng cường tương tác với khách hàng và gia tăng doanh thu. Nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn trong ngành F&B, nơi các thương hiệu sẽ phải không ngừng đổi mới và tận dụng các nền tảng công nghệ để thu hút và giữ chân khách hàng. TikTok không chỉ là một nền tảng giải trí mà đang dần trở thành một phần không thể thiếu của các chiến lược kinh doanh hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực F&B.
Trà vải Thái Công: Đối đầu tạo trend hay chiêu trò PR?
Mải mê “bắt trend” và content độc lạ: Liệu be có thật sự thu về hiệu quả?