1.000đ của Katinat bị chỉ trích, còn 1.000đ của Xanh SM và 5.000đ của Vietjet lại được khen ngợi: Lý do là gì?

Đăng ngày: 13/09/2024

Trong bối cảnh thiên tai vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã triển khai các chiến dịch quyên góp nhằm giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không phải chiến dịch nào cũng nhận được phản hồi tích cực từ công chúng. Trong khi các đóng góp của Xanh SM và Vietjet được ca ngợi, chiến dịch trích 1.000đ từ mỗi ly nước của Katinat lại vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Vậy điều gì đã tạo nên sự khác biệt này?

1.000đ của Katinat bị chỉ trích, còn 1.000đ của Xanh SM và 5.000đ của Vietjet lại được khen ngợi: Lý do là gì?

Khác biệt về tính thiết thực của sản phẩm, dịch vụ

Khác biệt về tính thiết thực
Khác biệt về tính thiết thực

Vietjet và Xanh SM: Vietjet và Xanh SM cung cấp các dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu quan trọng và thường xuyên của người tiêu dùng. 

  • Đối với Vietjet, vé máy bay là phương tiện di chuyển quan trọng và không thể thay thế khi cần di chuyển xa hoặc trong tình huống cấp bách, công việc. Khách hàng không có nhiều lựa chọn khác, vì vậy dù có trích 5.000 đồng từ mỗi vé để làm từ thiện hay không, họ vẫn sẵn sàng chi trả vì đây là nhu cầu không thể bỏ qua. Thực tế, khách hàng không quá quan tâm việc có trích hay không, chỉ cần dịch vụ hoạt động ổn định là đã đủ làm hài lòng họ. 
  • Tương tự, Xanh SM – dịch vụ xe điện – phục vụ nhu cầu di chuyển hàng ngày của nhiều người dân. Trong cuộc sống hằng ngày, khách hàng vẫn phải di chuyển, và việc trích thêm 1.000 đồng từ mỗi chuyến đi không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của họ. Hơn nữa, trong tình hình thiên tai, dịch vụ di chuyển càng trở nên cần thiết và việc đóng góp này dễ dàng được chấp nhận.

Katinat: Ngược lại, Katinat kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm không thiết yếu, phục vụ nhu cầu giải trí, “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Do đó, việc kêu gọi đóng góp từ thiện thông qua việc mua một sản phẩm không cần thiết này gây khó chịu đến khách hàng. Khách hàng sẽ có cảm giác như bị ép buộc phải chi tiền cho thứ họ không thực sự cần để “được” làm từ thiện, trong khi số tiền đó có thể dùng cho những mục đích thiết thực hơn, như trực tiếp ủng hộ người dân vùng bão lũ.

Cách thức đóng góp và triển khai chiến dịch

Vietjet và Xanh SM: Cả hai thương hiệu này không chỉ thực hiện quyên góp thông qua sản phẩm mà còn có những hành động kịp thời và trực tiếp để hỗ trợ cộng đồng. 

Vietjet ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ
Vietjet ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ
  • Vietjet: Đối mặt với tình hình bão lũ, Vietjet đã hành động kịp thời ngay trong ngày 10-9, hãng đã trích 2 tỷ đồng để mua nhu yếu phẩm, thực phẩm và thuốc men hỗ trợ người dân. Ngoài ra, hãng còn miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ cho các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đến ngày 20-9-2024. Những hành động này không chỉ giúp đỡ kịp thời cho những người bị ảnh hưởng, mà còn thể hiện cam kết lâu dài của Vietjet với cộng đồng. Tinh thần tương thân tương ái này được nhân rộng khi toàn bộ 8.000 nhân viên của Vietjet cũng tham gia quyên góp, tạo nên một chiến dịch mang tính cộng đồng cao.
Hỗ trợ thiết thực từ XanhSM
Hỗ trợ thiết thực từ XanhSM
  • Xanh SM: Không chỉ dừng lại ở việc trích 1.000 đồng từ mỗi chuyến đi mà hãng xe này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ thông qua hành động kịp thời từ tập đoàn mẹ Vingroup. Cụ thể, Vingroup đã nhanh chóng đóng góp 250 tỷ đồng vào Quỹ Thiện Tâm để hỗ trợ người dân vùng bão lũ. Ngoài ra, nhân viên và tài xế của Xanh SM đã trực tiếp tham gia vào việc dọn dẹp, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau bão, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của thương hiệu đối với cộng đồng.
Quyên góp 1000đ/ly của Katinat
Quyên góp 1000đ/ly của Katinat

Katinat: Thay vì có hành động trực tiếp ngay lập tức, Katinat lựa chọn cách thức tổng kết số tiền quyên góp vào cuối tháng từ việc trích 1.000 đồng trên mỗi ly trà bán ra. Cách tiếp cận này thiếu tính cấp bách và minh bạch, khiến khách hàng cảm thấy như họ phải mua thêm sản phẩm không thiết yếu này để “được”  làm từ thiện. Chiến dịch này của Katinat dễ bị hiểu lầm là một chiến dịch nhằm thúc đẩy doanh số, lợi dụng từ thiện, lợi dụng sự thương cảm của cộng đồng để kinh doanh, trục lợi; hơn là xuất phát từ tấm lòng mong muốn hỗ trợ cộng đồng.

Có thể thấy, sự thành công hay thất bại của một chiến dịch từ thiện không phụ thuộc vào số tiền đóng góp mà ở cách thức triển khai và thông điệp mà doanh nghiệp truyền tải, đúng như câu nói “Của cho không bằng cách cho”. Vietjet và Xanh SM đã thành công trong việc gây thiện cảm với cộng đồng nhờ những hành động kịp thời, minh bạch và thiết thực. Họ không chỉ quyên góp qua sản phẩm mà còn trực tiếp tham gia hỗ trợ người dân. Ngược lại, Katinat bị chỉ trích vì cách tiếp cận thiếu tính cấp bách, triển khai nội dung thiếu tinh tế, dễ bị công chúng hiểu lầm là lợi dụng từ thiện để tăng doanh số. 

Đây sẽ là một bài học lớn cho Katinat nói riêng và cho các doanh nghiệp nói chung trong việc triển khai các chiến dịch từ thiện. Để có thể ghi điểm trong công chúng, cần đảm bảo tính chân thành, minh bạch và ưu tiên lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Đồng thời, cần có sự tiếp cận và triển khai thông điệp truyền thông một cách khéo léo và tinh tế, tránh gây hiểu lầm không đáng có. 

Đánh giá của bạn post

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email

Mỗi ngày, chúng tôi học hỏi một điều mới về Marketing và chia sẻ cho bạn, để ngày mai của bạn trở nên thành công rực rỡ hơn ngày hôm qua.

Picture of MIC Creative

MIC Creative

Xem hồ sơ
Marketing