Bật mí chiến lược Marketing của Starbucks tại Việt Nam

Đăng ngày: 09/01/2025

Không đơn thuần chỉ là một chuỗi cà phê, Starbucks đã nâng tầm giá trị thương hiệu bằng cách kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng đẳng cấp. Với những chiến lược marketing khéo léo, Starbucks đã khẳng định vị thế của mình tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Hãy cùng MIC Creative tìm hiểu chiến lược marketing của Starbucks, từ cách họ tạo dấu ấn trên thị trường đến việc xây dựng mối gắn kết lâu dài với khách hàng.

Bật mí chiến lược Marketing của Starbucks tại Việt Nam

1. Tổng quan về thương hiệu Starbucks

Howard Schultz
Howard Schultz

Được thành lập vào năm 1971 tại Seattle, Washington, Starbucks khởi đầu khiêm tốn với một cửa hàng nhỏ chuyên cung cấp hạt cà phê nguyên chất và máy pha cà phê. Tuy nhiên, hành trình phát triển vượt bậc của thương hiệu bắt đầu từ những năm 1980 khi Howard Schultz – nhà lãnh đạo tài ba của Starbucks, đã quyết định đưa Starbucks bước sang một trang mới: từ việc chỉ bán cà phê rang xay sang xây dựng trải nghiệm cà phê hoàn chỉnh.

Điểm nổi bật của Starbucks không chỉ nằm ở sản phẩm mà còn ở cách thương hiệu truyền tải văn hóa cà phê một cách tinh tế và độc đáo. Với hơn 35.000 cửa hàng tại hơn 80 quốc gia tính đến năm 2023, Starbucks không chỉ đơn thuần bán cà phê mà còn mang đến không gian thư giãn, nơi giao thoa giữa nghệ thuật, phong cách sống và sự kết nối con người.

Starbucks đặt chân đến thị trường Việt Nam
Starbucks đặt chân đến thị trường Việt Nam

Starbucks chính thức đặt chân đến thị trường Việt Nam vào tháng 2/2013, khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý lớn từ giới truyền thông và người tiêu dùng, bởi Việt Nam vốn được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, để ghi dấu ấn tại một thị trường có văn hóa cà phê đặc thù, Starbucks đã phải cạnh tranh khốc liệt với các chuỗi cà phê địa phương và quốc tế đang không ngừng nỗ lực và cải tiến để chiếm lĩnh thị trường. Vậy, làm thế nào để ông lớn Starbucks có thể vươn xa ở Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết chiến lược Marketing của Starbucks trong nội dung dưới đây.

2. Mô hình SWOT của Starbucks

Với sự hiện diện toàn cầu, Starbucks đã chứng minh khả năng tạo dựng giá trị vượt thời gian. Tuy nhiên, để giữ vững vị thế dẫn đầu, việc hiểu rõ các yếu tố nội tại và ngoại cảnh thông qua mô hình SWOT là chìa khóa để thương hiệu tiếp tục phát triển và giữ vững vị thế dẫn đầu. Sau đây, hãy cùng MIC Creative phân tích để nhìn nhận toàn diện những yếu tố này.

Điểm mạnh (Strengths) Điểm yếu (Weaknesses)
  • Nhận diện thương hiệu mạnh mẽ: Với các cửa hàng tại hơn 80 quốc gia, Starbucks có dấu ấn đáng kể trên toàn thế giới.
  • Sản phẩm đa dạng và chất lượng cao: Starbucks cung cấp nhiều lựa chọn từ cà phê, trà, đồ uống sáng tạo đến các món ăn nhẹ, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.
  • Trải nghiệm khách hàng độc đáo: Không gian cửa hàng hiện đại, tiện nghi, và dịch vụ khách hàng tận tâm đã tạo nên sự khác biệt cho Starbucks.
  • Cam kết bền vững: Starbucks tiên phong trong các sáng kiến bảo vệ môi trường, sử dụng bao bì thân thiện và hỗ trợ cộng đồng trồng cà phê.
  • Hệ thống quản lý và vận hành hiệu quả: Từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến đào tạo nhân viên, Starbucks duy trì sự đồng nhất về chất lượng ở mọi thị trường.
  • Lòng trung thành của khách hàng: Starbucks chuyển đổi được nhiều khách hàng trung thành nhờ chất lượng cao của các sản phẩm và dịch vụ của mình.
  • Giá cả cao: Starbucks định vị là thương hiệu cao cấp, khiến sản phẩm không phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là ở các thị trường nhạy cảm về giá.
  • Phụ thuộc lớn vào một dòng sản phẩm duy nhất (cà phê): Công ty có thể gặp khó khăn trước những biến động về nhu cầu cà phê và những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng.
  • Phụ thuộc nguồn cung: Cà phê là một mặt hàng chịu biến động giá do nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện thời tiết, dịch bệnh bùng phát và điều kiện kinh tế toàn cầu.
Cơ hội (Opportunities) Thách thức (Threats)
  • Mở rộng sang thị trường mới: Với nhu cầu cà phê ngày càng tăng, Starbucks có thể mở rộng hơn nữa tại các thị trường mới như Châu Phi và Trung Đông
  • Đổi mới sản phẩm: Việc sáng tạo các dòng đồ uống mới, sản phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm lành mạnh giúp công ty tiếp cận các phân khúc khách hàng mới.
  • Phát triển dịch vụ kỹ thuật số: Ứng dụng di động Starbucks và chương trình khách hàng thân thiết có thể được tối ưu hóa để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng doanh thu.
  • Hợp tác thương hiệu: Làm việc với các thương hiệu nổi tiếng khác để ra mắt sản phẩm hoặc chiến dịch chung có thể giúp Starbucks tăng cường sự hiện diện và thu hút sự chú ý.
  • Cạnh tranh khốc liệt: Starbucks phải đối mặt với sự cạnh tranh từ cả chuỗi cà phê toàn cầu như Costa Coffee, Dunkin và các thương hiệu địa phương mạnh tại từng thị trường.
  • Xu hướng tiêu dùng thay đổi: Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, lành mạnh và dịch vụ nhanh gọn, đòi hỏi Starbucks phải thích nghi nhanh chóng.
  • Áp lực môi trường và xã hội: Các doanh nghiệp lớn như Starbucks thường đối mặt với áp lực từ công chúng và tổ chức môi trường về việc giảm phát thải và tối ưu hóa chuỗi cung ứng bền vững.
  • Mở rộng quốc tế hạn chế ở một số thị trường: Starbucks đã phải vật lộn để có được chỗ đứng tại một số quốc gia, chẳng hạn như Ấn Độ, nơi công ty này phải đối mặt với những thách thức liên quan đến sự cạnh tranh tại địa phương và khác biệt về văn hóa.

3. Phân tích STP trong chiến lược Marketing của Starbucks

Starbucks, khi tiến vào thị trường Việt Nam, đã áp dụng mô hình phân khúc thị trường STP (Segmentation, Targeting, Positioning) để xác định rõ các nhóm khách hàng mục tiêu.

3.1. Phân khúc thị trường của Starbucks tại Việt Nam 

Phân khúc thị trường
Phân khúc thị trường

3.1.1. Nhân khẩu học

Độ tuổi:

  • 18–25 tuổi (Sinh viên, người trẻ mới đi làm): Đây là nhóm khách hàng năng động, yêu thích khám phá và thử nghiệm các xu hướng mới, tận hưởng không gian hiện đại, phù hợp với phong cách sống của thế hệ Gen Z và Millennials.
  • 26–35 tuổi (Nhân viên văn phòng, giới tri thức trẻ): Nhóm này có nhu cầu uống cà phê thường xuyên, đặc biệt trong giờ làm việc. Họ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng cao, không gian thoải mái để làm việc hoặc gặp gỡ đối tác.
  • 36–45 tuổi (Tầng lớp trung lưu và thượng lưu): Đây là nhóm khách hàng trưởng thành, có gu thưởng thức rõ ràng và yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Họ coi Starbucks như một địa điểm thể hiện phong cách sống sang trọng và đẳng cấp.

Thu nhập:

  • Khách hàng thu nhập cao: Starbucks tập trung vào nhóm khách hàng có khả năng chi tiêu cao, những người sẵn sàng trả giá để trải nghiệm chất lượng dịch vụ vượt trội. Thương hiệu thu hút nhóm này bằng thực đơn đa dạng, đồ uống sáng tạo và không gian thiết kế sang trọng, mang lại cảm giác thoải mái và đẳng cấp.
  • Khách hàng thu nhập trung bình: Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này, Starbucks triển khai các gói sản phẩm phù hợp và chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Với sự kết hợp giữa giá cả hợp lý và chất lượng dịch vụ tốt, thương hiệu tạo ra giá trị xứng đáng với chi tiêu của họ, từ đó tăng khả năng tiếp cận thị trường.
  • Khách hàng thu nhập thấp: Mặc dù không phải nhóm trọng tâm, Starbucks vẫn có thể tiếp cận khách hàng thu nhập thấp thông qua các tùy chọn giá cả phải chăng hơn và những chương trình khuyến mãi đặc biệt. Điều này giúp thương hiệu mở rộng sự nhận diện và tạo cơ hội trải nghiệm cho nhiều đối tượng hơn.

3.1.2. Địa lý

Vị trí cửa hàng:

  • Trung tâm các thành phố lớn: Starbucks tập trung vào Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, nơi có mật độ dân số cao, đô thị hóa mạnh và thu nhập khá. Các cửa hàng được đặt tại trung tâm thương mại, công viên hoặc khu đông dân cư để tối đa hóa sự hiện diện.
  • Gần các khu văn phòng: Starbucks không chỉ phục vụ nhu cầu uống cà phê trong giờ làm việc mà còn mang lại không gian để khách hàng tổ chức các buổi họp nhóm, làm việc cá nhân, hoặc thư giãn giữa ngày bận rộn.
  • Trung tâm thương mại: Các trung tâm thương mại, siêu thị và khu phố đi bộ là nơi Starbucks tiếp cận lượng lớn khách hàng đa dạng. Những vị trí này giúp thương hiệu tăng độ nhận diện và thu hút lưu lượng khách hàng lớn.
  • Khu vực du lịch: Các địa điểm nổi tiếng như Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Hội An và Phú Quốc là trọng tâm chiến lược. Starbucks tận dụng vị trí gần khách sạn, khu du lịch và điểm tham quan để phục vụ khách du lịch tìm kiếm không gian nghỉ ngơi và thưởng thức cà phê.

3.1.3. Hành vi

Khách hàng khám phá: Nhóm này yêu thích thử nghiệm sản phẩm mới. Starbucks thu hút họ bằng thức uống theo mùa, sản phẩm đặc biệt và phiên bản giới hạn, mang lại trải nghiệm độc đáo và khác biệt.

Khách hàng thường xuyên: Starbucks tập trung duy trì mối quan hệ với nhóm khách hàng này bằng ưu đãi, chương trình thẻ thành viên và trải nghiệm cá nhân hóa, nhằm gia tăng sự trung thành và tần suất ghé thăm.

Khách hàng công việc và học tập: Starbucks thu hút nhóm này bằng không gian làm việc thoải mái, Wi-Fi miễn phí và menu đa dạng, đáp ứng nhu cầu làm việc và học tập bên ngoài.

3.1.4. Tâm lý

Khách hàng theo đuổi giá trị bền vững: Với chiến lược thúc đẩy tiêu dùng xanh, như sử dụng ống hút giấy và bao bì thân thiện với môi trường, Starbucks hướng đến những khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường.

Người yêu thích trải nghiệm và sáng tạo: Starbucks có thể thu hút nhóm khách hàng này bằng cách ra mắt các sản phẩm và phiên bản đặc biệt. Thức uống độc đáo, thực đơn theo mùa, và các sự kiện đặc biệt sẽ mang lại trải nghiệm mới mẻ, tạo nên sự khác biệt và hứng thú.

Nhóm khách hàng yêu thích phong cách và thương hiệu: Starbucks thu hút khách hàng chú trọng phong cách sống thông qua không gian hiện đại và sản phẩm phụ kiện như bình giữ nhiệt, cốc nước, đồ ăn nhẹ. Hợp tác với các thương hiệu khác giúp tăng sức hấp dẫn và tạo dấu ấn riêng biệt.

3.2. Lựa chọn thị trường mục tiêu của Starbucks

Quy mô thị trường:

Thị trường cà phê tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ. theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), tiêu thụ cà phê bình quân đầu người tăng từ 1,7 kg cà phê năm 2015 lên gần 3 kg cà phê trong năm 2023. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000 – 300.000 tấn/năm.

Cùng với sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhóm người trẻ thành đạt sẵn sàng chi trả cho các trải nghiệm cao cấp. Ngày càng nhiều người chọn các quán cà phê hiện đại không chỉ để thưởng thức đồ uống mà còn để gặp gỡ, học tập hoặc làm việc. Đây chính là động lực để Starbucks hiện diện và thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Starbuck khai trương cửa hàng thứ 100 tại Việt Nam vào tháng 9/2023
Starbuck khai trương cửa hàng thứ 100 tại Việt Nam vào tháng 9/2023

Theo chia sẻ của bà Patricia Marques, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam, vào đầu năm 2023, thương hiệu này đã chạm mốc 100 cửa hàng và vẫn tiếp tục mở rộng mạnh mẽ. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển vượt bậc của Starbucks tại thị trường Việt Nam.

Bà cho biết: “Cửa hàng thứ 100 là một cột mốc tuyệt vời trong chặng đường phát triển của Starbucks tại Việt Nam. Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng kinh doanh, mang trải nghiệm cà phê đến với nhiều khách hàng cũng như kiên định thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”

Với một thị trường rộng lớn, tầng lớp tiêu dùng hiện đại, và xu hướng ưa chuộng không gian cao cấp, Starbucks có lợi thế lớn để phát triển tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, và Đà Nẵng. Việc tập trung vào nhóm khách hàng trẻ, có thu nhập cao và yêu thích phong cách sống hiện đại là chiến lược cốt lõi giúp Starbucks tiếp tục mở rộng dấu ấn tại Việt Nam.

Mục tiêu của Starbuck Việt Nam:

  • Tạo ra trải nghiệm cà phê cao cấp
Không gian sang chảnh và đẳng cấp của Starbucks
Không gian sang chảnh và đẳng cấp của Starbucks

Tại Việt Nam, mục tiêu này được thể hiện qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, không gian sang trọng và dịch vụ chuyên nghiệp. Thương hiệu đặc biệt chú trọng vào việc cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng, từ việc lựa chọn đồ uống theo sở thích đến dịch vụ tận tình của nhân viên.

  • Bảo vệ môi trường và xã hội

Starbucks luôn gắn liền với cam kết phát triển bền vững. Tại Việt Nam, thương hiệu này đặt trọng tâm vào việc giảm thiểu tác động môi trường thông qua các sáng kiến như: Sử dụng bao bì và ống hút thân thiện với môi trường, chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng mang theo cốc cá nhân, hợp tác với các tổ chức địa phương để triển khai hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hỗ trợ nông dân trồng cà phê.

  • Giữ gìn giá trị, văn hóa và di sản

Starbucks tôn trọng và kết nối với văn hóa cà phê sâu sắc của người Việt thông qua việc tạo ra sự cân bằng giữa giá trị toàn cầu và bản sắc địa phương. Một trong những cách thể hiện rõ nét nhất là việc giới thiệu các sản phẩm mang hương vị đặc trưng Việt Nam, như cà phê Đà Lạt Blend, để tôn vinh nông sản trong nước. Ngoài ra, Starbucks cũng trưng bày nghệ thuật và văn hóa Việt Nam trong thiết kế cửa hàng, tạo cảm giác thân thuộc và gần gũi với người tiêu dùng Việt.

  • Xây dựng vị thế trên thị trường Việt Nam

Bằng cách tập trung vào các địa điểm chiến lược như trung tâm thương mại, khu vực văn phòng và điểm du lịch, Starbucks đảm bảo khả năng tiếp cận tối đa với nhóm khách hàng mục tiêu có nhu cầu tiêu thụ dịch vụ cao cấp và phong cách sống hiện đại.

Thương hiệu cũng đầu tư mạnh vào chiến lược truyền thông và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng thông qua chương trình Starbucks Rewards, mang lại các ưu đãi độc quyền và trải nghiệm cá nhân hóa.

Thị trường mục tiêu:

Từ quy mô và mục tiêu của Starbuck khi hoạt động tại Việt Nam, chúng ta đưa ra kết luận về thị trường mục tiêu của Starbucks như sau:

  Nhóm khách hàng 1
Người trẻ hiện đại
Nhóm khách hàng 2
Trung niên
Độ tuổi 22 – 30 tuổi 30 – 40 tuổi
Thu nhập Từ trung bình trở lên
Vị trí địa lý Sinh sống là làm việc tại các thành phố lớn
Tâm lý Quan tâm đến sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường
Chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Hướng đến trải nghiệm cà phê cao cấp
Hướng đến trải nghiệm cà phê cao cấp

3.3. Chiến lược định vị của Starbucks tại Việt Nam

Starbucks không chỉ đơn thuần là một thương hiệu cà phê, mà còn là một biểu tượng toàn cầu về sự sáng tạo, chất lượng và trải nghiệm đẳng cấp. Tại Việt Nam, nơi có văn hóa cà phê lâu đời và sự cạnh tranh khốc liệt, Starbucks đã chọn cách định vị riêng biệt, kết hợp giữa chất lượng sản phẩm, hình ảnh thương hiệu, và dịch vụ vượt trội.

  • Hình ảnh thương hiệu:

Qua nhiều lần cải tiến, logo đã được thiết kế đơn giản và mang phong cách hiện đại hơn để phù hợp với xu hướng. Hình ảnh nàng tiên cá hai đuôi đầy quyến rũ vẫn được giữ ở vị trí trung tâm, kết hợp với màu xanh dịu dàng, gợi lên cảm giác thanh bình và thơ mộng. Đó không chỉ là màu sắc, mà là lời nhắn nhủ về sự cân bằng, bền vững và tầm nhìn vượt thời gian mà Starbucks luôn hướng tới.

Logo Starbucks
Logo Starbucks
  • Sản phẩm độc đáo:

Tại Việt Nam, nơi người tiêu dùng quen thuộc với vị đậm đà từ hạt Robusta, Starbucks đã mang đến một nét mới lạ bằng việc sử dụng hạt Arabica. Loại hạt này không chỉ có hương vị nhẹ nhàng mà còn mang đến sự thơm ngọt tinh tế, mang lại một trải nghiệm thưởng thức cà phê độc đáo, khác biệt hoàn toàn so với truyền thống.

Ngoài ra, Starbucks đã mở rộng thực đơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Các món ăn từ bánh ngọt hấp dẫn đến sandwich hay salad tiện lợi đã trở thành lựa chọn lý tưởng cho nhiều đối tượng, từ nhân viên văn phòng bận rộn, sinh viên năng động đến khách du lịch tìm kiếm sự mới lạ.

Đặc biệt hơn nữa, Starbucks tạo ấn tượng và mang lại sự cá nhân hóa, giúp khách hàng cảm nhận mối liên kết đặc biệt với thương hiệu thông qua các bộ sưu tập độc quyền, từ bình giữ nhiệt, cốc cá nhân đến những món đồ lưu niệm độc đáo theo mùa. Đây là chìa khóa để Starbucks xây dựng lòng trung thành từ nhóm khách hàng yêu thích sự độc đáo và muốn sở hữu những món đồ mang dấu ấn riêng, góp phần củng cố hình ảnh thương hiệu trên thị trường.

  • Trải nghiệm dịch vụ cao cấp có “1 không 2”:

Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên dấu ấn độc đáo của Starbucks, mang đến trải nghiệm mà khó có thương hiệu nào khác có thể tái hiện.

Mỗi một nhân viên của Starbucks đều được đào tạo bài bản để mang lại dịch vụ hoàn hảo, từ sự thân thiện, chu đáo trong phục vụ đến việc tạo ra mối liên kết gần gũi với khách hàng.

Không dừng lại ở đó, Starbucks còn cam kết mang đến sự đồng nhất trong trải nghiệm khách hàng trên toàn hệ thống. Từ hương vị thức uống, không gian thiết kế hiện đại, đến phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mỗi lần ghé Starbucks đều trở thành một kỷ niệm đáng nhớ cho khách hàng.

4. Chiến lược Marketing 4P của Starbucks tại Việt Nam

Starbucks đã triển khai chiến lược Marketing Mix (4P) tại Việt Nam một cách tinh tế và hiệu quả, kết hợp giữa sự thấu hiểu thị trường địa phương và sức mạnh thương hiệu toàn cầu. Hãy cùng phân tích chi tiết về 4 yếu tố trong chiến lược này ngay sau đây:

4.1. Chiến lược Marketing của Starbucks về sản phẩm (Product)

Tại Việt Nam, chiến lược sản phẩm của Starbucks là sự kết hợp giữa chất lượng vượt trội, sự đa dạng, sáng tạo và tính cá nhân hóa. Đây chính là chìa khóa giúp thương hiệu chinh phục những khách hàng khó tính nhất, tạo nên một phong cách sống độc đáo cho người tiêu dùng.

  • Cà phê Arabica độc đáo

Ở Việt Nam, nơi mà hương vị đậm đà, mạnh mẽ của hạt Robusta đã trở thành thói quen, Starbucks lại mở ra một hành trình thưởng thức mới với hạt Arabica. Loại hạt này mang đến hương vị nhẹ nhàng, ngọt ngào và tinh tế hơn, tựa như một làn gió mới cho những ai yêu thích sự khác biệt và khám phá.

  • Thực đơn đa dạng, phong phú
Thực đơn phong phú của Starbucks
Thực đơn phong phú của Starbucks

Starbucks không chỉ dừng lại ở các dòng đồ uống biểu tượng như Latte, Cappuccino, hay Frappuccino mà còn mở rộng thực đơn để đáp ứng nhu cầu ngày của khách hàng. Từ bánh ngọt, sandwich, trà, smoothies đến salad thực đơn của Starbucks có thể đáp ứng mọi nhu cầu – dù bạn cần nạp năng lượng buổi sáng, một bữa trưa nhẹ nhàng hay một món ăn kèm cho buổi gặp gỡ bạn bè.

Đa dạng trong sản phẩm là cách Starbucks tiếp cận nhiều nhóm khách hàng khác nhau, từ sinh viên năng động, nhân viên văn phòng bận rộn, cho đến khách hàng muốn trải nghiệm một phong cách sống hiện đại và cao cấp.

  • Bộ sưu tập sản phẩm sáng tạo và cá nhân hóa

Mỗi mùa, Starbucks lại mang đến sự bất ngờ cho khách hàng với những bộ sưu tập giới hạn: bình giữ nhiệt độc đáo, cốc cá nhân đầy phong cách, đến những món đồ lưu niệm theo chủ đề.

Những sản phẩm này không chỉ đẹp mắt mà còn mang thông điệp đầy ý nghĩa, khuyến khích lối sống thân thiện với môi trường. Việc sử dụng các sản phẩm tái sử dụng không chỉ giúp khách hàng cảm thấy đặc biệt mà còn đóng góp vào một hành động tốt đẹp hơn cho xã hội.

Sự cá nhân hóa này giúp Starbucks tạo nên mối liên kết chặt chẽ với khách hàng, khiến họ cảm nhận được sự quan tâm và giá trị mà thương hiệu dành riêng cho mình.

Bộ sưu tập ly của Starbucks
Bộ sưu tập ly của Starbucks
  • Sự đa dạng trong từng sản phẩm cà phê

Hiểu rằng mỗi người có khẩu vị và sở thích riêng, Starbucks mang đến nhiều lựa chọn linh hoạt để làm hài lòng từng khách hàng:

Theo loại hạt: Từ cà phê nguyên hạt dành cho những người yêu thích tự tay pha chế, đến cà phê rang xay tiện lợi, Starbucks đều đảm bảo sự tươi mới và chất lượng tuyệt đối.

Theo độ rang: Khách hàng có thể lựa chọn từ cà phê rang sơ (blonde) nhẹ nhàng, rang vừa (medium) cân bằng, đến rang kỹ (dark) đậm đà, phù hợp với sở thích cá nhân.

Theo độ caffeine: Đáp ứng cả những người yêu thích cà phê truyền thống và nhóm khách hàng tìm kiếm sự nhẹ nhàng với cà phê decaf (không chứa caffeine).

Theo hương vị: Từ cà phê nguyên bản đến các dòng cà phê pha chế với hương vị đặc trưng, Starbucks mở ra một thế giới hương vị phong phú, giúp khách hàng thoải mái khám phá.

4.2. Chiến lược Marketing của Starbucks về giá (Price)

Starbucks đã định vị mình là thương hiệu cà phê cao cấp, nơi khách hàng không chỉ chi trả cho một ly cà phê mà còn cho một trải nghiệm toàn diện. Thay vì cạnh tranh về giá, Starbucks tập trung vào giá trị cảm nhận mà khách hàng nhận được, bao gồm chất lượng sản phẩm, không gian sang trọng và dịch vụ chuyên nghiệp.

  • Định giá dựa trên giá trị cảm nhận

Starbucks hiểu rằng khách hàng sẵn sàng trả thêm cho những giá trị vượt trội. Một ly Cold Brew tại Starbucks có giá từ 75.000–95.000 VND , cao hơn đáng kể so với mức giá phổ biến 40.000–60.000 VND trên thị trường. Tuy nhiên, mức giá này đi kèm với:

Chất lượng cao cấp: Cà phê Arabica được chế biến tinh tế mang đến hương vị khác biệt.

Không gian độc đáo: Thiết kế hiện đại, ấm cúng, phù hợp với lối sống hiện đại.

Dịch vụ tận tâm: Barista chuyên nghiệp mang đến trải nghiệm phục vụ đẳng cấp.

Barista chuyên nghiệp
Barista chuyên nghiệp
  • Tập trung vào phân khúc khách hàng cao cấp

Starbucks không hướng đến việc phổ biến rộng rãi mà tập trung phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập ổn định, sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm sang trọng. Điều này không chỉ giúp thương hiệu duy trì sự độc quyền mà còn tạo ra sức hút mạnh mẽ với đối tượng khách hàng ưa chuộng phong cách sống hiện đại.

  • Linh hoạt trong điều chỉnh giá

Thay vì áp dụng chính sách tăng giá đồng loạt, Starbucks linh hoạt điều chỉnh giá dựa trên từng sản phẩm và kích cỡ cụ thể. Cách tiếp cận này giúp thương hiệu cân bằng giữa giá trị mang lại và sự hài lòng của khách hàng, đồng thời tối ưu hóa doanh thu mà không làm ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách hàng.

Giữa bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nội địa và quốc tế, cách định giá thông minh này giúp Starbucks chứng minh rằng định giá cao không phải là trở ngại, mà là công cụ giúp củng cố vị thế thương hiệu, đồng thời tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

4.3. Chiến lược Marketing của Starbucks về phân phối (Place)

Cửa hàng Starbucks tại TP HCM
Cửa hàng Starbucks tại TP HCM

Starbucks áp dụng chiến lược phân phối tập trung vào chất lượng và sự lựa chọn cẩn thận về địa điểm, thay vì chạy theo số lượng cửa hàng. Sau 11 năm hoạt động tại Việt Nam, tính đến tháng 5/2024, Starbucks hiện có 108 cửa hàng, một con số khiêm tốn so với các đối thủ như Highlands Coffee (777 cửa hàng), Trung Nguyên (700 cửa hàng), Phúc Long (157 cửa hàng và 45 ki-ốt WinMart+) hay Mixue (1,000 cửa hàng chỉ sau 5 năm).

Mặc dù có số lượng cửa hàng ít hơn, Starbucks chọn cách định vị ở những vị trí chiến lược, đảm bảo tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu. Các cửa hàng Starbucks thường tọa lạc tại:

  • Trung tâm thương mại: Những địa điểm sầm uất như Vincom, Lotte Mart, hoặc các khu mua sắm lớn giúp Starbucks thu hút lượng khách hàng đông đảo.
  • Khu vực văn phòng: Đáp ứng nhu cầu của nhân viên văn phòng muốn có không gian làm việc sáng tạo hoặc gặp gỡ đối tác.
  • Khu vực du lịch và trung tâm đô thị: Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, và Đà Nẵng, cũng như các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An hay Đà Lạt, đều có sự hiện diện của Starbucks, nhằm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và internet, Starbucks cũng mở rộng mạng lưới phân phối của mình với ứng dụng Starbucks. Khách hàng có thể đặt trước và nhận đồ uống từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, tối ưu hóa thời gian và nâng cao trải nghiệm.

Ứng dụng Starbucks
Ứng dụng Starbucks

4.4. Chiến lược Marketing của Starbucks về xúc tiền (Promotion)

  • Chiến dịch truyền thông sáng tạo

Starbucks thường xuyên tạo điểm nhấn thông qua các chiến dịch theo mùa, mang lại sự tươi mới và thú vị cho khách hàng. Các sản phẩm như Pumpkin Spice Latte mùa thu hay các dòng đồ uống lễ hội cuối năm không chỉ mang tính biểu tượng mà còn được quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội với các thông điệp sáng tạo. Những chiến dịch này nhanh chóng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự chú ý và chia sẻ từ cộng đồng người dùng.

  • Hợp tác thương hiệu
Starbucks hợp tác với nhóm nhạc Kpop BlackPink
Starbucks hợp tác với nhóm nhạc Kpop BlackPink

Sự hợp tác giữa Starbucks và Blackpink, một trong những nhóm nhạc hàng đầu thế giới, đã trở thành minh chứng sống động cho sự sáng tạo và khả năng bắt kịp xu hướng của thương hiệu. Không chỉ đơn thuần là chiến dịch quảng bá sản phẩm, sự kết hợp này còn khai thác triệt để sức ảnh hưởng toàn cầu của Blackpink, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm độc đáo và đầy cảm hứng.

Dấu ấn của sự hợp tác được thể hiện qua loạt bộ sưu tập giới hạn gồm cốc giữ nhiệt, bình nước, túi vải, và các phụ kiện thời thượng, mang thiết kế đặc trưng của Blackpink. Gam màu đen và hồng biểu tượng của nhóm nhạc được lồng ghép tinh tế với logo Starbucks, tạo nên những sản phẩm vừa đậm tính thời trang, vừa có giá trị sưu tầm cao.

Ngay từ khi ra mắt, bộ sưu tập BLACKPINK + STARBUCKS đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, tạo nên một làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ. Hiệu ứng truyền thông này không chỉ nâng cao độ nhận diện thương hiệu của Starbucks mà còn củng cố vị thế của họ như một biểu tượng phong cách sống hiện đại và sáng tạo.

  • Chương trình khuyến mãi và khách hàng thân thiết

Starbucks Rewards: Hệ thống này cung cấp nhiều ưu đãi hấp dẫn như giảm giá, tích điểm đổi quà, giúp khách hàng cảm thấy được trân trọng. Điều này không chỉ khuyến khích họ quay lại thường xuyên mà còn tạo ra một mối liên kết cảm xúc bền vững với thương hiệu.

Starbucks Gift Card: Gift Card cho phép Starbucks dễ dàng tiếp cận khách hàng mới thông qua sự giới thiệu từ bạn bè của khách hàng hiện tại. Hình thức này vừa hiệu quả trong việc mở rộng tập khách hàng, vừa tận dụng mạng lưới quảng cáo tự nhiên từ chính cộng đồng khách hàng.

Sản phẩm in logo: Các sản phẩm như áo phông, cốc uống nước hay bình giữ nhiệt mang logo Starbucks không chỉ là món quà khuyến mại mà còn là công cụ xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ, giúp Starbucks trở thành một phần phong cách sống của khách hàng.

Starbucks Gift Card
Starbucks Gift Card

5. Các yếu tố giúp Starbucks chinh phục và tiếp tục trụ vững tại Việt Nam

5.1. Hiểu và tôn trọng văn hóa cà phê Việt Nam

Starbucks đã thể hiện sự nhạy bén trong việc thấu hiểu văn hóa địa phương bằng cách đưa những nét đặc trưng của Việt Nam vào sản phẩm của mình.

Dòng cà phê Đà Lạt Blend, được chế biến từ hạt Arabica trồng tại cao nguyên Lâm Đồng, không chỉ là minh chứng cho cam kết về chất lượng của Starbucks mà còn là sự tôn trọng đối với ngành cà phê trong nước. Hạt Arabica từ Lâm Đồng mang hương vị tinh tế, đặc trưng của Việt Nam, kết hợp hoàn hảo với triết lý sáng tạo và tiêu chuẩn toàn cầu của thương hiệu.

Việc giới thiệu những sản phẩm mang dấu ấn bản địa như Đà Lạt Blend không chỉ giúp Starbucks tạo sự gắn kết gần gũi với người tiêu dùng Việt Nam mà còn khẳng định vị thế của thương hiệu trong việc tôn vinh giá trị cà phê Việt trên bản đồ thế giới. Đây là bước đi chiến lược, vừa giữ vững sự độc đáo của thương hiệu vừa hòa nhập vào văn hóa cà phê sâu sắc của Việt Nam.

5.2. Khác biệt hóa và trải nghiệm cao cấp

Starbucks không chọn cách đối đầu trực tiếp với những quán cà phê truyền thống – nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cà phê Việt, mà thay vào đó mang đến một làn gió mới, đó là mô hình Third Place.
Với phong cách thiết kế hiện đại, mang phong cách tối giản nhưng đầy tinh tế cùng dịch vụ chuyên nghiệp, Starbucks đã tạo nên một không gian lý tưởng dành riêng cho những ai tìm kiếm sự khác biệt. Đặc biệt phù hợp với nhịp sống năng động của tầng lớp trung lưu và giới trẻ tại các đô thị lớn. Đây không chỉ là nơi thưởng thức những tách cà phê thơm ngon, mà còn giống như ngôi nhà thứ 3 của khách hàng, khi mọi người có thể làm việc và trò chuyện sâu lắng với nhau.

Không dừng lại ở đó, sự đa dạng trong sản phẩm, từ những ly cà phê thơm ngọt đến thực đơn phong phú, cũng khiến Starbucks trở thành điểm dừng chân quen thuộc của tầng lớp trẻ trung và khách hàng có gu thưởng thức tinh tế. Đây cũng là lý do mà mặc dù mức giá của Starbucks khá cao so với đối thủ như Phúc Long, Highlands Coffee, thương hiệu vẫn là lựa chọn của nhiều người.

Cửa hàng mang phong cách Greener Stores
Cửa hàng mang phong cách Greener Stores

Đặc biệt, những cửa hàng mang phong cách Greener Stores khuyến khích lối sống bền vững, đã trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo và trách nhiệm của Starbucks. Những sáng kiến này không chỉ mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng mà còn giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh gắn kết với cộng đồng và cam kết bảo vệ môi trường.

5.3. Sự phát triển của ngành F&B tại Việt Nam và thu nhập đầu người gia tăng

Ngành F&B tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập và thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động quý III/20247,6 triệu đồng/tháng, tăng 176 nghìn đồng so với quý trước và tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Thu nhập bình quân của người lao động
Thu nhập bình quân của người lao động

Sự gia tăng thu nhập đã mở rộng ngân sách chi tiêu dành cho thực phẩm, chỗ ở và các hoạt động giải trí, trong đó ngành F&B nhận được lợi ích đáng kể. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống, chiếm từ 20% đến 48% thu nhập của các hộ gia đình, đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu quốc tế như Starbucks.

Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và nhóm dân số trẻ với thu nhập cao không chỉ tạo nên một tập khách hàng mục tiêu tiềm năng mà còn mang lại cơ hội để Starbucks mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Đây cũng chính là yếu tố giúp Starbucks tiếp cận hiệu quả nhóm khách hàng sẵn sàng chi tiêu cho trải nghiệm cà phê cao cấp, góp phần củng cố vị thế và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thương hiệu.

5.4. Chọn lựa địa điểm “đắc địa”

Starbucks luôn ưu tiên chọn những địa điểm “đắc địa” để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả. Theo bà Patricia Marques, cựu Tổng Giám đốc Starbucks Vietnam, chiến lược marketing của Starbucks không tập trung vào việc mở rộng số lượng cửa hàng một cách ồ ạt, mà nhấn mạnh vào sự bền vững và chất lượng thông qua việc lựa chọn vị trí lý tưởng.

Bà Marques chia sẻ: “Starbucks không phát triển bằng việc chạy đua về con số. Chúng tôi phát triển lâu dài và vẫn chỉ theo chiến lược tìm được địa điểm tốt nhất và những khu vực có khách hàng tốt nhất.” Điều này đồng nghĩa với việc Starbucks tập trung vào các vị trí đảm bảo lưu lượng khách hàng ổn định suốt cả ngày, mang lại sự sôi động cho hoạt động kinh doanh.

Những địa điểm được lựa chọn thường nằm tại trung tâm thương mại, khu văn phòng, hoặc khu vực đông đúc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, và Đà Nẵng. Đây là các khu vực không chỉ thuận tiện mà còn nâng tầm giá trị thương hiệu, giúp Starbucks tạo ra không gian lý tưởng cho việc thư giãn, gặp gỡ, và làm việc.

5.5. Sự chuyển giao lãnh đạo – Động lực mới cho Starbucks tại Việt Nam

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Starbucks tại Việt Nam với sự chuyển giao vai trò lãnh đạo từ bà Patricia Marques sang ông Hồ Mai Hồ, một người Việt Nam giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng nhanh. Quyết định này thể hiện sự nỗ lực của Starbucks trong việc điều chỉnh chiến lược để phù hợp hơn với thị trường địa phương, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong đợi của khách hàng Việt Nam.

Ông Hồ Mai Hồ
Ông Hồ Mai Hồ

Dưới sự lãnh đạo mới, Starbucks không chỉ tăng cường kết nối với khách hàng mà còn thúc đẩy các sáng kiến nhằm cải thiện trải nghiệm và phát triển bền vững. Việc bổ nhiệm ông Hồ Mai Hồ là minh chứng rõ ràng cho cam kết của Starbucks đối với Việt Nam – một thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy cạnh tranh.

Sự kết hợp giữa uy tín thương hiệu toàn cầu và sự thấu hiểu thị trường địa phương được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp Starbucks không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng mà còn mở rộng thị phần tại Việt Nam. Với chiến lược kinh doanh sáng tạo và tầm nhìn dài hạn, Starbucks có cơ hội lớn để củng cố vị thế của mình, hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu cà phê dẫn đầu trong lòng người tiêu dùng Việt.

5.6. Thích nghi với xu hướng hiện đại

Starbucks luôn nhạy bén với các xu hướng tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam, không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

  • Ứng dụng Starbucks Rewards: Việc ra mắt ứng dụng này không chỉ giúp khách hàng tích điểm, nhận ưu đãi mà còn mang lại trải nghiệm thanh toán và đặt hàng thuận tiện. Đây là bước tiến chiến lược để Starbucks xây dựng mối quan hệ gắn bó hơn với tập khách hàng trung thành, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ yêu thích công nghệ.
  • Dịch vụ giao hàng: Starbucks đã triển khai các dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với nhịp sống bận rộn tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Việc này giúp thương hiệu tiếp cận nhiều hơn với đối tượng khách hàng không có thời gian ghé cửa hàng, đồng thời mở rộng cơ hội kinh doanh trong thị trường cạnh tranh cao.
  • Cam kết phát triển bền vững: Starbucks tích cực tham gia vào xu hướng tiêu dùng xanh thông qua các chiến dịch sử dụng ống hút giấy, bao bì thân thiện với môi trường và khuyến khích khách hàng mang theo ly cá nhân. Những nỗ lực này không chỉ giúp thương hiệu xây dựng hình ảnh có trách nhiệm mà còn đáp ứng kỳ vọng của khách hàng về một lối sống bền vững.

6. Định hướng phát triển trong thời gian tới của Starbucks tại thị trường Việt Nam

Trong một buổi phỏng vấn gần đây, bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Vietnam, đã khẳng định rằng “hành trình của Starbucks Việt Nam mới chỉ bắt đầu”. Thương hiệu toàn cầu này nhìn nhận Việt Nam là một thị trường chiến lược với tiềm năng kinh doanh to lớn, đồng thời cam kết phát triển bền vững và dài hạn tại đây.

  • Tập trung vào chất lượng và trải nghiệm khách hàng

Starbucks không chạy theo con số doanh thu hay số lượng cửa hàng, mà đặt trọng tâm vào việc phục vụ khách hàng tốt nhất. Điều này thể hiện qua tiêu chuẩn khắt khe trong quy trình sản xuất, bao gồm: Cam kết không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác cà phê, không sử dụng lao động trẻ em và đảm bảo an toàn lao động tại các trang trại cung cấp cà phê.

  • Mở rộng hệ thống cửa hàng

Starbucks dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng tại nhiều khu vực mới, nhằm tiếp cận đa dạng nhóm khách hàng hơn. Bên cạnh việc duy trì sự hiện diện tại các khu trung tâm đô thị lớn, Starbucks cũng đang tìm kiếm các cơ hội để phát triển tại những khu vực tiềm năng khác, nơi tầng lớp trung lưu và giới trẻ đang tăng nhanh.

  • Thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững

Trong thời gian tới, Starbucks cũng đặt mục tiêu mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác địa phương. Điều này không chỉ hỗ trợ hoạt động kinh doanh mà còn giúp thương hiệu gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng Việt Nam. Đồng thời, Starbucks sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn bền vững, từ chuỗi cung ứng cà phê đến các hoạt động kinh doanh tại cửa hàng.

7. Kết luận

Chiến lược marketing của Starbucks đang giúp thương hiệu này dần khẳng định vị thế vững chắc tại Việt Nam, không chỉ qua sự hiện diện của các cửa hàng mà còn bằng cách đặt khách hàng làm trung tâm và cam kết phát triển bền vững. Với tầm nhìn dài hạn và khả năng thích nghi linh hoạt, thương hiệu hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng dấu ấn tại thị trường Việt Nam, tạo nền móng cho một hành trình phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Nếu bạn đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ marketing, truyền thông, quảng cáo…, hãy liên hệ ngay với MIC Creative để được tư vấn giải pháp tối ưu nhất. MIC Creative tự tin là đối tác Marketing nắm bắt thị trường, thấu hiểu khách hàng, thành thạo công cụ và luôn luôn sáng tạo.

MIC CREATIVE – Your Success, Our Future

Đánh giá của bạn post

Chia sẻ bài viết:

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email

Mỗi ngày, chúng tôi học hỏi một điều mới về Marketing và chia sẻ cho bạn, để ngày mai của bạn trở nên thành công rực rỡ hơn ngày hôm qua.

Picture of MIC Creative

MIC Creative

Xem hồ sơ
Marketing