1. Chatbot là gì? Vì sao nên tích hợp chatbot vào website?
Chatbot là một công cụ tự động hóa giao tiếp, được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện giữa con người và máy tính. Thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các thuật toán, chatbot có khả năng tương tác với khách hàng, trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin trong thời gian thực.


Trong nội dung hướng dẫn cách tạo website chuyên nghiệp, chúng tôi đã đề cập tới việc tích hợp chatbot vào trang web sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các quá trình tư vấn, chăm sóc khách hàng. Cụ thể hơn, chatbot sẽ giải quyết được các vấn đề sau cho doanh nghiệp:
- Cải thiện trải nghiệm khách hàng: Chatbot giúp khách hàng nhận được sự hỗ trợ ngay lập tức, giảm thiểu thời gian chờ đợi khi cần giải đáp thắc mắc. Khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi họ có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng, đặc biệt là trong các tình huống cần hỗ trợ khẩn cấp.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Chatbot có thể cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ ngay khi khách hàng có nhu cầu, từ đó thúc đẩy quyết định mua hàng nhanh chóng.
- Tiết kiệm chi phí nhân sự: Việc tích hợp chatbot giúp tự động hóa quá trình hỗ trợ khách hàng, giảm bớt gánh nặng cho bộ phận chăm sóc khách hàng (CSKH). Thay vì phải có một đội ngũ lớn nhân viên trực hotline hoặc trả lời email, chatbot có thể giải đáp nhiều câu hỏi thông thường, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
- Hoạt động 24/7: Khác với nhân viên CSKH, chatbot có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm mà không bị gián đoạn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp có khách hàng quốc tế hoặc cung cấp dịch vụ vào các giờ không hành chính.
2. Các yếu tố cần chuẩn bị trước khi cài đặt chatbot
Trước khi triển khai chatbot vào website, doanh nghiệp cần chuẩn bị một số yếu tố cơ bản để đảm bảo rằng chatbot sẽ hoạt động hiệu quả, phù hợp với mục tiêu và chiến lược tổng thể. Dưới đây là ba yếu tố quan trọng cần xem xét:
2.1. Xác định mục tiêu sử dụng chatbot
Việc xác định rõ mục tiêu khi sử dụng chatbot là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình triển khai. Mục tiêu này sẽ giúp định hướng việc lựa chọn nền tảng chatbot, tính năng và cách thức vận hành. Các mục tiêu sử dụng chatbot phổ biến bao gồm:
- Hỗ trợ khách hàng: Chatbot cung cấp hỗ trợ tức thì cho khách hàng, trả lời câu hỏi thường gặp và giúp giải quyết các vấn đề cơ bản mà không cần sự can thiệp của nhân viên. Công cụ hữu ích với các doanh nghiệp có lượng khách hàng lớn và cần hỗ trợ 24/7.
- Tư vấn bán hàng: Chatbot được sử dụng để tư vấn sản phẩm hoặc dịch vụ, giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp thông qua các câu hỏi tự động. Việc này giúp doanh nghiệp thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi và bán hàng nhanh chóng mà không cần thêm nguồn lực nhân sự.
- Thu thập thông tin khách hàng: Chatbot sử dụng để thu thập thông tin từ khách hàng như email, số điện thoại, yêu cầu hoặc thậm chí thói quen mua sắm, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng và tối ưu hóa chiến lược marketing.
2.2. Lựa chọn nền tảng chatbot phù hợp
Một yếu tố quan trọng tiếp theo là lựa chọn nền tảng Chatbot phù hợp với yêu cầu và mục tiêu của doanh nghiệp. Hai nền tảng phổ biến hiện nay là chatbot dựa trên quy tắc (Rule-based) và chatbot AI. Mỗi nền tảng có ưu điểm và nhược điểm riêng, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.


- Chatbot dựa trên quy tắc (Rule-based): Loại chatbot này hoạt động dựa trên các kịch bản đã được lập trình sẵn. Nó chỉ có thể trả lời các câu hỏi được định trước và làm theo quy trình có sẵn. Tuy nhiên, chatbot này dễ triển khai, ít tốn chi phí và thích hợp với các yêu cầu hỗ trợ đơn giản, giúp tiết kiệm nguồn lực nhân sự.
- Chatbot AI (Artificial Intelligence): Chatbot AI sử dụng trí tuệ nhân tạo để học hỏi từ các cuộc trò chuyện và cải thiện khả năng trả lời. Nó có thể xử lý các câu hỏi phức tạp, hiểu ngữ cảnh và tạo ra trải nghiệm giao tiếp tự nhiên hơn. Chatbot AI phù hợp với các doanh nghiệp cần tương tác phức tạp và muốn mang đến sự trợ giúp nâng cao cho khách hàng.
2.3. Tích hợp chatbot với CRM & hệ thống CSKH
Để chatbot hoạt động hiệu quả và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, việc tích hợp nó với hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và các hệ thống chăm sóc khách hàng (CSKH) là điều cần thiết.


- Tích hợp với CRM: Chatbot có thể thu thập dữ liệu khách hàng và lưu trữ thông tin vào hệ thống CRM. Điều này giúp doanh nghiệp theo dõi hành vi và sở thích của khách hàng, từ đó cá nhân hóa các chiến lược marketing và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Thông tin thu thập được từ chatbot sẽ giúp bộ phận chăm sóc khách hàng phản hồi nhanh chóng và chính xác hơn.
- Tích hợp với hệ thống CSKH: Kết nối chatbot với các công cụ CSKH giúp tạo ra một quy trình làm việc liền mạch. Chatbot có thể hỗ trợ các yêu cầu cơ bản, trong khi các vấn đề phức tạp sẽ được chuyển đến nhân viên trực tiếp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên CSKH, nâng cao hiệu quả làm việc và đảm bảo sự hài lòng của khách hàng.
3. Cách tích hợp chatbot vào website trên các nền tảng phổ biến
Sau khi xác định được những yếu tố cần chuẩn bị, doanh nghiệp chuyển sang các bước tích hợp Chatbot vào website. Dưới đây, MIC Creative sẽ hướng dẫn 4 cách tích hợp Chatbot vào website trên các nền tảng phổ biến hiện nay.
3.1. Hướng dẫn cài đặt chatbot trên WordPress
WordPress là một trong những nền tảng xây dựng website phổ biến nhất hiện nay, chiếm hơn 43,3% tổng số website trên thế giới. Với giao diện dễ sử dụng, khả năng tùy chỉnh cao và cộng đồng hỗ trợ mạnh mẽ, WordPress trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp trong việc thiết kế website.
Để tăng thêm sức mạnh cho website doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bước cài đặt Chatbot trên WordPress nhé.
Bước 1: Lựa chọn plugin chatbot phù hợp
Việc chọn lựa plugin chatbot phù hợp là bước đầu tiên quan trọng trong quá trình cài đặt. Một số plugin phổ biến và đáng tin cậy bao gồm:
- WP-Chatbot: Đây là một plugin mạnh mẽ dành cho WordPress giúp tích hợp chatbot trực tiếp vào website. WP-Chatbot cung cấp các tính năng cơ bản như trả lời tự động và hỗ trợ giao tiếp tức thì với khách hàng.
- Tidio Live Chat: Plugin này kết hợp giữa live chat và chatbot, cho phép doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tidio hỗ trợ nhiều tính năng tùy chỉnh và dễ dàng tích hợp với các nền tảng CRM và hệ thống CSKH khác.
Từ góc độ chuyên môn của MIC Creative, doanh nghiệp nên cân nhắc đến mục tiêu chiến lược và các tính năng mà plugin cung cấp. Nếu yêu cầu sử dụng các chatbot tự động hoàn toàn, WP-Chatbot là lựa chọn phù hợp. Nếu cần sự kết hợp giữa chatbot (theo kịch bản) và live chat, Tidio là lựa chọn lý tưởng.
Để bao quát hơn, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ thực hiện tích hợp với công cụ Tidio Live Chat làm ví dụ minh họa. Doanh nghiệp có thể tham khảo để thực hiện tương tự cho các công cụ chatbot khác
Bước 2: Cài đặt Tidio Live Chat
- Truy cập công cụ Tidio Live Chat >> Chọn “Get Started” để đăng nhập, người quản trị website doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin tài khoản và địa chỉ website doanh nghiệp.


Bước 3: Thiết lập giao diện trò chuyện với khách hàng
- Sau khi đăng nhập thành công, Tidio Live Chat sẽ chuyển người dùng sang phần thiết lập giao diện màn hình chat với khách hàng.
- Username: Nhập tên công ty/doanh nghiệp/thương hiệu.
- Color scheme & avatar: Chọn màu sắc phù hợp màu của thương hiệu và tải lên logo doanh nghiệp.
- Select Language: Chọn ngôn ngữ phù hợp với vị trí địa lí doanh nghiệp.
- Bấm “Continue” để chuyển tiếp.


Bước 4: Cung cấp thông tin mục tiêu sử dụng Chatbot cho Tidio Live Chat
- Chọn mục tiêu chính (Main Focus): Chọn “I want to solve customers problems”.
- Chọn cách thực hiện: Doanh nghiệp chọn “I want to talk to customers”.
- Sau đó trả lời các câu hỏi phụ bên cạnh và bấm “Continue” để chuyển sang bước 4


Lưu ý: Bước này chỉ mang tính thực hiện cung cấp thông tin cho nhà phát triển phần mềm Tidio Live Chat, doanh nghiệp không bắt buộc phải trả lời chính xác từng thông tin.
Bước 5: Cài đặt nội dung trả lời đầu tiên khi khách hàng truy cập website doanh nghiệp
- Chọn “Just greet them warmly” để thực hiện thông báo lời chào tới khách hàng.
- Chọn Customize the message để chỉnh sửa và cá nhân hóa nội dung bằng tiếng Việt.
- Bấm “Continue” để chuyển sang bước 5.


Bước 6: Chèn đoạn mã code Tidio Live Chat đã thiết lập lên website trên nền tảng WordPress
- “Copy to Clipboard” để sao chép đoạn mã code.


- Chuyển sang trang quản trị WordPress, dán vào phần Body Snippet của website doanh nghiệp >> Bấm “Lưu thay đổi”.


Bước 7: Quay trở về trang web Tidio Live Chat để thực hiện truy cập bảng quản trị đoạn chat.
- Bấm “Continue” để hoàn thiện bước 5, cùng lúc này là đoạn chatbot của doanh nghiệp đã được bật hiển thị trên website.
- Bấm vào biểu tượng hộp thư để xem toàn bộ các Inbox của khách hàng qua đoạn chat với doanh nghiệp.


3.2. Cách thêm chatbot vào Shopify
Cơ chế hoạt động của nền tảng Shopify có sự tương đồng với WordPress, đều có thể tích hợp thêm các công cụ chat tự động như Tidio Live Chat, WP-Bot,… Điểm khác biệt lớn nhất của Shopify là phù hợp cho nền tảng thương mại điện tử.
Trong nội dung này, chúng tôi sẽ hướng dẫn doanh nghiệp cách thêm công cụ Chatbot vào Shopify với các bước như sau:
Bước 1: Đăng nhập vào bảng quản trị cửa hàng Shopify của bạn.
- Đi tới phần Ứng dụng (Add apps) và tìm kiếm ứng dụng ChatBot by Text .
Bước 2: Cài đặt ứng dụng ChatBot by Text.
- Chọn ứng dụng “ChatBot by Text“ và nhấp vào nút “Thêm ứng dụng”.
- Xác nhận bằng nút “Cài đặt” (Install).


Bước 3: Đăng nhập vào tài khoản ChatBot của bạn và cấu hình tích hợp .
- Nếu doanh nghiệp là người dùng mới, trước tiên phải thiết lập tài khoản của mình . Cung cấp địa chỉ email và mật khẩu của doanh nghiệp >> Sau đó chọn Đăng ký .
Bước 4: Chọn sử dụng mẫu tin nhắn trên Shopify.
Trong 3 tùy chọn dưới đây, doanh nghiệp chọn sử dụng phù hợp với mục tiêu chiến lược.
- Sử dụng mẫu Shopify dựng sẵn — nhập cấu trúc bot dành riêng cho Shopify >> Doanh nghiệp cần tùy chỉnh mẫu đã nhập sau khi tích hợp hoàn tất.
- Chọn một bot hiện có — chọn một trong những bot bạn đã tạo >> Doanh nghiệp luôn có thể chỉnh sửa bot đã chọn sau.
- Xây dựng từ đầu — tạo bot của từ đầu >> Sau khi cấu hình tích hợp, doanh nghiệp cần xây dựng bot của mình trong ứng dụng ChatBot.
Bước 5: Thiết lập thông tin cấu hình.
- (1) Đặt tên cho bot mới tạo hoặc chọn một trong những doanh nghiệp đã có.
- (2) Quyết định xem bot của doanh nghiệp có nên được bật trong cửa hàng ngay từ đầu hay nên tắt nó (2).
- Chọn “Create your Chatbot” để kết thúc quá trình tích hợp.


3.3. Cách tích hợp chatbot trên Wix
Wix là một nền tảng xây dựng website phổ biến, được biết đến với tính năng kéo và thả (drag-and-drop) giúp người dùng dễ dàng tạo ra các trang web mà không cần kiến thức về lập trình. Nền tảng này cung cấp các công cụ và mẫu giao diện phong phú, giúp doanh nghiệp tạo dựng một website chuyên nghiệp với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên với nền tảng Wix, nhà phát triển cung cấp riêng một phần mềm chat tự động có tên là Wix AI Site-Chat cho các khách hàng sử dụng. Do đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cách sử dụng công cụ này với các bước sau:
Bước 1: Thêm Wix AI Site-Chat vào website.
- Để thêm Wix AI Site-Chat vào website, doanh nghiệp cần truy cập Wix App Market từ bảng điều khiển website trước khi đặt chatbot vào trình chỉnh sửa.
Lưu ý: Wix AI Site-Chat không thể hoạt động đồng thời với Wix Chat. Nếu doanh nghiệp đã thiết lập giờ làm việc cho Wix Chat, Wix AI Site-Chat sẽ không thể sử dụng trên website.
- Các bước thêm Wix AI Site-Chat vào website:
- Truy cập vào Wix App Market từ bảng điều khiển của website.
- Tìm kiếm Wix AI Site-Chat.
- Nhấn vào nút “Thêm vào trang web” để bắt đầu thêm chatbot vào trang web.


Bước 2: Cấu hình cài đặt cho Wix AI Site-Chat.
Để cải thiện khả năng truy cập và tính hiệu quả của Wix AI Site-Chat, doanh nghiệp cần cấu hình các thiết lập như giờ làm việc của chatbot và cung cấp mẫu liên hệ cho khách truy cập website.
Các bước cấu hình cài đặt AI Site-Chat:
- Truy cập vào AI Site-Chat trong bảng điều khiển của website.
- Nhấn vào tab Cài đặt.
- Lựa chọn các thiết lập mà doanh nghiệp muốn cấu hình, bao gồm:
- Giờ hoạt động của chatbot (Online chat hours): Thiết lập giờ làm việc của chatbot.
- Tin nhắn giới thiệu (Chat intro message): Cung cấp tin nhắn chào mừng đầu tiên khi khách truy cập trò chuyện với chatbot.
- Mẫu liên hệ (Contact form): Tạo mẫu liên hệ để khách truy cập có thể gửi thông tin hoặc yêu cầu hỗ trợ khi chatbot không thể giải đáp.
Bước 3: Kích hoạt Wix AI Site-Chat
Để bắt đầu sử dụng Wix AI Site-Chat trên website, doanh nghiệp cần kích hoạt nó và đưa nó trực tuyến.
Các bước kích hoạt Wix AI Site-Chat:
- Nhấn vào công tắc Bật/Tắt ở góc trên bên phải của trang để kích hoạt chatbot.
- Sau khi kích hoạt, chatbot sẽ hoạt động trên website.


3.4. Sử dụng API để cài đặt Chatbot vào website tự phát triển
Trong trường hợp sử dụng một website tự phát triển, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa tính năng chatbot thông qua việc tích hợp API từ các dịch vụ Chatbot tiên tiến. Đây là giải pháp cho các doanh nghiệp muốn triển khai các chatbot có khả năng học hỏi, hiểu ngữ cảnh và xử lý các câu hỏi phức tạp, mang lại trải nghiệm tự nhiên cho người dùng.
Trước khi tích hợp chatbot vào website, doanh nghiệp cần chọn dịch vụ chatbot phù hợp. Một số dịch vụ phổ biến hiện nay bao gồm:
- OpenAI Chat GPT: Một mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ với khả năng hiểu và sinh ngôn ngữ tự nhiên, hỗ trợ các cuộc trò chuyện phức tạp và linh hoạt.
- Dialogflow: Nền tảng của Google, hỗ trợ xây dựng chatbot hiểu ngữ nghĩa, tích hợp với nhiều kênh như website, ứng dụng di động, và Facebook Messenger.
- Microsoft Bot Framework: Nền tảng toàn diện giúp tạo chatbot có khả năng tích hợp vào nhiều hệ thống và ứng dụng, với hỗ trợ cho nhiều ngôn ngữ lập trình và tính năng AI mạnh mẽ.
Để minh họa cách tích hợp chatbot vào website tự phát triển, MIC Creative sẽ hướng dẫn sử dụng OpenAI Chat GPT. Lý do lựa chọn Chat GPT là vì đây là một trong những mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ nhất hiện nay, có khả năng hiểu và sinh ngôn ngữ tự nhiên với độ chính xác cao.
Các bước tích hợp Chat GPT vào website tự phát triển:
Bước 1: Đăng ký và lấy API Key từ OpenAI.
- Doanh nghiệp cần đăng ký tài khoản trên OpenAI và đăng nhập vào trang quản trị API.
- Sau khi đăng nhập, doanh nghiệp tìm kiếm phần “API” trong tài khoản và nhận API Key. Đây là mã xác thực dùng để kết nối chatbot với hệ thống website.
Bước 2: Cài đặt thư viện hỗ trợ (SDK) trên website.
- Doanh nghiệp cần tích hợp thư viện OpenAI vào mã nguồn website. Thông thường, thư viện này có sẵn trên các nền tảng phát triển web như Node.js, Python hoặc các môi trường hỗ trợ khác.
- Ví dụ, đối với Node.js, sử dụng lệnh sau để cài đặt thư viện OpenAI: npm install openai
Bước 3: Cấu hình kết nối API với website.
- Sau khi cài đặt thư viện, doanh nghiệp cần cấu hình API Key vào trong mã nguồn để đảm bảo rằng website có thể kết nối và tương tác với OpenAI.
- Mã ví dụ trong Node.js để kết nối API:
const { OpenAI } = require(“openai”);
const openai = new OpenAI({
apiKey: ‘YOUR_API_KEY’
});
Bước 4: Xử lý các yêu cầu và phản hồi từ API.
- Doanh nghiệp cần thiết lập các câu hỏi và trả lời giữa chatbot và người dùng. Cấu hình API để chatbot có thể nhận câu hỏi từ khách hàng và trả lời tự động.
- Ví dụ về mã lệnh gửi yêu cầu và nhận phản hồi:
const response = await openai.completions.create({
model: “text-davinci-003”, // Sử dụng mô hình GPT-3
prompt: “Hello, how can I help you today?”,
max_tokens: 150
});
console.log(response.choices[0].text);
Bước 5: Tối ưu hóa kịch bản hội thoại
- Sau khi tích hợp cơ bản, doanh nghiệp có thể cải thiện và tối ưu hóa kịch bản hội thoại.
- Thực hiện thêm các phân tích ngữ nghĩa, thay đổi kịch bản trả lời để chatbot có thể xử lý các câu hỏi phức tạp hơn, phù hợp với từng tình huống cụ thể.
4. Những nền tảng chatbot tốt nhất để tích hợp vào website
Để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian tìm kiếm những Chatbot phù hợp để tích hợp vào website, MIC Creative sẽ giới thiệu một số Chatbot phổ biến cho doanh nghiệp sau:
Phần mềm chatbot Tidio
Tidio là nền tảng chatbot dễ sử dụng, đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với tính năng đơn giản nhưng hiệu quả, Tidio kết hợp giữa live chat và chatbot tự động giúp doanh nghiệp có thể giao tiếp với khách hàng nhanh chóng, đồng thời tự động hóa quy trình hỗ trợ khách hàng.


- Tính năng nổi bật:
- Cung cấp cả tính năng live chat và chatbot tự động.
- Hỗ trợ tích hợp với các nền tảng như Shopify, WordPress và Facebook Messenger.
- Tích hợp với các công cụ như email marketing và CRM để tạo trải nghiệm người dùng đồng bộ.
- Giao diện thân thiện, dễ sử dụng mà không cần kỹ thuật cao.
- Phù hợp với:
- Các doanh nghiệp nhỏ cần một giải pháp chatbot đơn giản nhưng hiệu quả.
- Các doanh nghiệp bán lẻ, thương mại điện tử, và dịch vụ khách hàng.
- Chi phí sử dụng:
- Gói miễn phí: Hỗ trợ tối đa 50 cuộc hội thoại chatbot mỗi tháng, phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ hoặc mới bắt đầu.
- Gói Communicator: Giá $15.66/người dùng/tháng, bao gồm các cuộc hội thoại live chat không giới hạn, tối đa 5 nhân viên khai thác, hỗ trợ email và live chat 24/5, cùng các tính năng quản lý quyền và phân tích.
- Gói Chatbots: Giá $31.74/tháng, cung cấp các cuộc hội thoại chatbot với 40.000 người dùng mỗi tháng, trình chỉnh sửa chatbot trực quan và tích hợp Zapier.
- Gói Tidio+: Giá $235.16/tháng, bao gồm các cuộc hội thoại live chat không giới hạn, số lượng nhân viên khai thác tùy chỉnh, tương tác chatbot tùy chỉnh, hỗ trợ đầy đủ và các dịch vụ như trình quản lý CSKH chuyên dụng.
Công cụ chatbot Chatfuel
Chatfuel chủ yếu được sử dụng để xây dựng chatbot cho Facebook Messenger và website. Đây là một công cụ hoàn hảo cho các doanh nghiệp muốn tận dụng sức mạnh của Facebook Messenger để giao tiếp và tương tác với khách hàng.


- Tính năng nổi bật:
- Hỗ trợ tạo chatbot cho Facebook Messenger và website mà không cần lập trình.
- Tích hợp với các công cụ CRM, email marketing, và quảng cáo Facebook.
- Cung cấp các tính năng tự động hóa như gửi thông báo, trả lời tự động, và các kịch bản hội thoại linh hoạt.
- Khả năng tích hợp AI và NLP giúp chatbot hiểu ngữ cảnh và cải thiện trải nghiệm người dùng.
- Phù hợp với:
- Các doanh nghiệp muốn xây dựng chatbot trên Facebook Messenger và website.
- Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ và marketing, muốn tăng cường khả năng tương tác qua kênh Facebook.
- Chi phí sử dụng:
- Gói miễn phí: Cung cấp một bot với đầy đủ tính năng và tối đa 50 người dùng.
- Gói Pro: Giá từ $15/tháng, không giới hạn người dùng, bao gồm các tính năng nâng cao và hỗ trợ ưu tiên.
Công cụ chatbot ManyChat
ManyChat hỗ trợ nhiều kênh giao tiếp như Facebook Messenger, SMS, và email. Với khả năng tích hợp đa kênh, ManyChat giúp doanh nghiệp xây dựng trải nghiệm khách hàng liền mạch trên các nền tảng khác nhau.


- Tính năng nổi bật:
- Hỗ trợ nhiều kênh giao tiếp, bao gồm Facebook Messenger, SMS, và email.
- Cung cấp tính năng tự động hóa mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tự động gửi thông điệp và chăm sóc khách hàng.
- Dễ dàng tạo và quản lý các kịch bản hội thoại.
- Cung cấp tính năng quảng cáo Facebook tích hợp, giúp tăng cường khả năng tương tác và tiếp cận khách hàng.
- Phù hợp với:
- Các doanh nghiệp cần chatbot tích hợp nhiều kênh giao tiếp.
- Các doanh nghiệp lớn hoặc các chiến dịch marketing đa kênh.
- Chi phí sử dụng:
- Gói miễn phí: Cho phép sử dụng các mẫu cơ bản, 2 chuỗi drip và tối đa 10 thẻ phân khúc đối tượng.
- Gói Pro: Giá từ $15/tháng, cung cấp tất cả các tính năng nâng cao như chuỗi drip và thẻ phân khúc không giới hạn, thử nghiệm phân tách, nút nhấn mua hàng và nhiều hơn nữa.
Công cụ LiveChat & Drift
LiveChat và Drift là các nền tảng chatbot hỗ trợ live chat kết hợp AI, giúp doanh nghiệp cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp và tự động cho khách hàng. Đây là những nền tảng chatbot lý tưởng cho các doanh nghiệp yêu cầu tương tác trực tiếp và hỗ trợ phức tạp.


- Tính năng nổi bật:
- LiveChat cung cấp tính năng live chat mạnh mẽ kết hợp với chatbot tự động, giúp doanh nghiệp quản lý các cuộc trò chuyện dễ dàng và nhanh chóng.
- Drift cung cấp chatbot AI mạnh mẽ, giúp trả lời câu hỏi tự động và hỗ trợ khách hàng với các yêu cầu phức tạp.
- Cả hai nền tảng đều tích hợp với CRM, email marketing, và các công cụ phân tích để theo dõi hiệu quả.
- Tính năng tự động hóa và phân loại khách hàng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi.
- Phù hợp với:
- Các doanh nghiệp yêu cầu tương tác trực tiếp và nhanh chóng với khách hàng, đặc biệt là trong ngành dịch vụ và bán hàng.
- Các doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc nhu cầu hỗ trợ phức tạp, cần các tính năng chatbot AI để tự động hóa và tối ưu hóa quy trình hỗ trợ.
- Chi phí sử dụng:
- Gói cơ bản: Giá từ $400/tháng khi thanh toán hàng năm, bao gồm 5 người dùng.
- Gói Premium và Advanced: Có mức giá cao hơn, cung cấp các tính năng nâng cao và hỗ trợ tùy chỉnh theo nhu cầu doanh nghiệp.
5. Cách tối ưu chatbot sau khi tích hợp vào website
Sau khi tích hợp, việc tối ưu chatbot là cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tối ưu hóa chatbot giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng tỷ lệ chuyển đổi, đồng thời nâng cao hiệu suất tổng thể của công cụ này.
- Xây dựng kịch bản hội thoại hiệu quả
Kịch bản hội thoại là yếu tố nền tảng cho chatbot, giúp chatbot hỗ trợ người dùng hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản theo một số gợi ý sau:
- Xác định câu hỏi phổ biến của khách hàng: Phân tích các câu hỏi thường gặp và xây dựng kịch bản trả lời tự động, như “Thời gian giao hàng” hay “Chính sách hoàn trả”, để giúp chatbot trả lời nhanh chóng và chính xác.
- Thiết lập phản hồi tự động thông minh: Cần xây dựng phản hồi tự động linh hoạt, sử dụng AI để chatbot có thể học hỏi và trả lời tự nhiên hơn, giúp nâng cao chất lượng giao tiếp và hỗ trợ khách hàng như một người thực sự.
- Tối ưu giao diện Chatbot
Giao diện chatbot phải dễ sử dụng và phù hợp với website. Để tối ưu giao diện Chatbot, doanh nghiệp tham khảo gợi ý sau:
- Thiết kế dễ sử dụng, không chiếm diện tích quá nhiều: Chatbot cần xuất hiện ở vị trí dễ tiếp cận mà không làm phiền người dùng khi họ duyệt website. Chức năng thu nhỏ khi không sử dụng giúp tiết kiệm không gian.
- Điều chỉnh màu sắc, icon chatbot: Hãy điều chỉnh giao diện chatbot sao cho phù hợp với nhận diện thương hiệu và tạo sự dễ chịu cho người dùng.
- Theo dõi và cải thiện hiệu suất chatbot
Cuối cùng, doanh nghiệp nên phân bổ thời gian để theo dõi và phân tích dữ liệu chatbot là bước quan trọng để cải thiện hiệu suất và tăng tỷ lệ chuyển đổi. Việc phân tích các cuộc hội thoại và tìm kiếm cơ hội để tăng chuyển đổi sẽ giúp chatbot trở thành công cụ mạnh mẽ thúc đẩy doanh thu.
- Theo dõi dữ liệu chatbot: Doanh nghiệp cần phân tích tỷ lệ phản hồi, số cuộc hội thoại, và mức độ hài lòng của khách hàng để nhận diện các vấn đề và tối ưu chatbot.
- Tối ưu chatbot để tăng tỷ lệ chuyển đổi: Cải thiện chatbot bằng cách thêm tính năng gợi ý sản phẩm, hỗ trợ thanh toán trực tiếp và các cuộc hội thoại hướng đến thúc đẩy hành động mua hàng hoặc đăng ký.
6. Những lỗi cần tránh khi tích hợp chatbot vào website
Trong quá trình tích hợp, doanh nghiệp có thể gặp phải một số lỗi phổ biến ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chatbot. Những lỗi này không chỉ làm giảm trải nghiệm người dùng mà còn ảnh hưởng đến tỷ lệ chuyển đổi và hiệu quả của chatbot trong việc hỗ trợ khách hàng.
MIC Creative sẽ gợi ý một số lỗi phổ biến dưới dây cùng gợi ý khắc phục cần thiết cho doanh nghiệp.
- Không tùy chỉnh chatbot phù hợp với người dùng
Chatbot chỉ đáp ứng một cách cứng nhắc, người dùng có thể cảm thấy thiếu sự cá nhân hóa, dẫn đến sự thất vọng và giảm tỷ lệ tương tác. Mỗi nhóm khách hàng có yêu cầu và hành vi khác nhau, và chatbot cần được cấu hình sao để tương tác với họ hiệu quả.
- Khắc phục: Tùy chỉnh Chatbot để hiểu ngữ cảnh và đưa ra các phản hồi phù hợp theo từng tình huống. Điều này có thể bao gồm việc tạo các quy trình tư vấn khác nhau cho các khách hàng khác nhau hoặc thiết lập các câu hỏi theo ngành nghề, sản phẩm, hoặc dịch vụ cụ thể.
- Không cập nhật dữ liệu để Chatbot hoạt động hiệu quả hơn
Khi thông tin không được cập nhật, chatbot có thể cung cấp những câu trả lời lỗi thời hoặc thiếu chính xác, làm giảm độ tin cậy và trải nghiệm người dùng. Nếu chatbot không phản ánh các thay đổi hoặc cập nhật mới, khả năng hỗ trợ khách hàng sẽ giảm đáng kể.
- Khắc phục: Thay đổi quá trình tối ưu, cập nhật dữ liệu cho Chatbot để phản ánh các thay đổi trong sản phẩm, dịch vụ và chính sách. Việc cập nhật này có thể bao gồm các thay đổi về giá, chính sách bảo hành, hoặc thậm chí các câu hỏi thường gặp mới.
- Tích hợp chatbot nhưng không có kịch bản hội thoại hợp lý
Nếu chatbot không được lập kế hoạch hội thoại rõ ràng, nó có thể cung cấp các phản hồi rời rạc, không liên kết hoặc thiếu thông tin cần thiết. Điều này có thể khiến khách hàng có thể cảm thấy khó chịu và mất kiên nhẫn.
- Khắc phục: Doanh nghiệp nên lập kế hoạch và thiết kế các kịch bản hội thoại từ đầu đến cuối, đảm bảo rằng mọi câu hỏi và tình huống đều được giải quyết một cách mạch lạc. Điều này bao gồm việc xác định các mục tiêu của từng cuộc trò chuyện, đảm bảo chatbot có thể xử lý các yêu cầu một cách tự động mà không làm gián đoạn trải nghiệm người dùng.
- Quá phụ thuộc vào chatbot, không có phương án hỗ trợ khách hàng thủ công
Chatbot có thể gặp khó khăn khi đối diện với những yêu cầu phức tạp hoặc những tình huống mà nó chưa được huấn luyện. Trong những trường hợp này, việc không có phương án hỗ trợ thủ công có thể dẫn đến sự thất vọng và bỏ qua cơ hội chuyển đổi.
- Khắc phục: Doanh nghiệp phải luôn có phương án chuyển giao qua lại giữa Chatbot và nhân viên khi cần thiết. Ví dụ, khi chatbot không thể giải quyết vấn đề, nó nên có khả năng chuyển tiếp yêu cầu cho nhân viên trực tiếp một cách nhanh chóng và thuận tiện, giúp duy trì sự hài lòng của khách hàng.
7. Kết luận
Trên đây là hướng dẫn của chúng tôi dành cho doanh nghiệp về cách tích hợp chatbot vào website đa nền tảng, giúp nâng cao hiệu quả giao tiếp với khách hàng và tối ưu hóa quy trình bán hàng. Cùng với đó là những gợi ý cách tối ưu chatbot sau khi tích hợp website doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp đang có nhu cầu liên quan đến dịch vụ thiết kế Website cùng các dịch vụ khác, hãy liên hệ ngay với MIC Creative để được tư vấn giải pháp tối ưu nhất. MIC Creative tự tin là đối tác Marketing nắm bắt thị trường, thấu hiểu khách hàng, thành thạo công cụ và luôn sáng tạo.