1. URL là gì?
URL – Uniform Resource Locator, là một chuỗi ký tự dùng để xác định địa chỉ của một tài nguyên trên Internet, chẳng hạn như trang web, hình ảnh hoặc video. Nói một cách dễ hiểu thì đây là một đường dẫn liên kết đến website, giúp người dùng truy cập trực tiếp đến nội dung họ muốn tìm.
Ví dụ: Khi bạn muốn truy cập vào trang web của MIC Creative, URL sẽ là https://miccreative.vn. Trong đó, phần https:// là giao thức (protocol), miccreative.vn là tên miền (domain), xác định nơi lưu trữ tài nguyên mà người dùng muốn truy cập.
URL không chỉ đơn giản là một chuỗi ký tự mà còn giúp định vị, phân loại và cung cấp thông tin về tài nguyên đó, mang lại trải nghiệm liền mạch và hiệu quả cho người dùng khi duyệt web
1.1. URL nằm ở đâu?
URL thường nằm trong thanh địa chỉ ở đầu cửa sổ trình duyệt web. Trên máy tính xách tay và máy tính để bàn, URL trang web sẽ luôn hiển thị trên thanh địa chỉ khi người dùng cuộn qua trang web.
Trong khi đó, trên thiết bị di động, khi người dùng bắt đầu cuộn xuống, trình duyệt thường ẩn URL để tối ưu không gian hiển thị nội dung. Tuy nhiên, URL sẽ hiển thị lại ngay khi người dùng cuộn lên, giúp họ dễ dàng kiểm tra hoặc truy cập đường dẫn.
1.2. Phân loại URL
- URL tĩnh (.html)
URL tĩnh là những URL không thay đổi, thường mang tính mô tả và dễ hiểu, chẳng hạn như www.example.com/san-pham/ao-thun.
Những URL này thường có cấu trúc đơn giản, chứa từ khóa về nội dung của trang và không thay đổi trong quá trình sử dụng. URL tĩnh không chỉ cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn có lợi thế trong SEO, giúp trang web dễ dàng tiếp cận người dùng và thu hút nhiều lượt truy cập hơn.
- URL động (?id=)
URL động thường được tạo ra thông qua các tham số trong đường dẫn, chẳng hạn như www.example.com/products?id=12345&category=shirts.
URL này thường được sử dụng cho các trang web có nội dung thay đổi liên tục hoặc được tạo ra từ cơ sở dữ liệu. Vì vậy, công cụ tìm kiếm cũng có thể gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa URL động, ảnh hưởng đến khả năng hiển thị trang web trong kết quả tìm kiếm.
Lưu ý: Việc lựa chọn giữa URL động và URL tĩnh phụ thuộc vào mục tiêu và yêu cầu cụ thể của website. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, URL tĩnh vẫn là lựa chọn tối ưu cho việc xây dựng thương hiệu và tối ưu hóa công cụ tìm kiếm.
2. Cấu trúc URL
Cấu trúc URL đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa SEO và cải thiện trải nghiệm người dùng. Một URL được tổ chức hợp lý không chỉ giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu được nội dung của trang mà còn hỗ trợ người dùng truy cập, nhận diện thông tin nhanh chóng.
2.1. Giao thức (Protocol hoặc Scheme)
Đây là phần đầu tiên của cấu trúc URL, giúp xác định cách thức giao tiếp giữa trình duyệt và máy chủ .
Ví dụ: https:// hoặc http://, trong đó “https” được ưa chuộng hơn nhờ tính bảo mật cao.
2.2. Tên miền (Domain)
Tên miền là những gì người dùng nhập vào thanh địa chỉ của trình duyệt để truy cập một trang web, chúng đại diện cho địa chỉ IP của một website.
Ví dụ: Tên miền google.com hoặc miccreative.vn
- Tên miền phụ (Subdomain)
Tên miền phụ (Subdomain) là các kí tự đứng sau scheme và kết thúc ở dấu chấm đầu tiên, www là loại subdomain phổ biến nhất. Tên miền phụ cho thấy một trang web có thể truy cập được thông qua internet và sử dụng HTTP để giao tiếp.
- Miền cao cấp
Miền cao cấp còn được gọi là Top Level Domain (TLD) , đây là phần theo sau tên trang web như .com, .net., gov. Bên cạnh đó, các quốc gia khác nhau cũng đều có TLD khác nhau, bao gồm hai chữ cái viết tắt của tên nước.
Ví dụ: Miền cao cấp của các quốc gia: .vn (Việt Nam); .us (USA),…
2.3. Đường dẫn (Path)
Đường dẫn chỉ ra vị trí cụ thể của tài nguyên trên máy chủ, giúp máy chủ dẫn người dùng đến đúng vị trí mà họ cần truy cập trên website. Path được bắt đầu sau dấu gạch chéo đầu tiên (/) sau tên miền. Số lượng dấu gạch chéo trong path càng nhiều, đường dẫn càng chi tiết, cho thấy tài nguyên nằm sâu hơn trong các danh mục con của website.
2.4. Tham số (Query)
Tham số còn được gọi là chuỗi truy vấn hoặc biến URL, đây là phần nội dung nằm sau đường dẫn và bắt đầu với dấu hỏi chấm (?) trong URL. Chúng được dùng để truyền dữ liệu đến máy chủ hoặc lọc nội dung, kết nối với nhau bởi dấu bằng (=). Nếu có nhiều biến trong một URL, chúng sẽ được phân tách bằng dấu (&).
Ví dụ: ?category=sports&price=low.
2.5. Phân mảng (Fragment)
Phân mảng là phần cuối trong cấu trúc URL, nó bắt đầu bằng dấu thăng (#) và được dùng để xác định vị trí cụ thể của trang web.
- Để hiểu hơn về cấu trúc URL, hãy phân tích ví dụ trong hình ảnh này:
Từ ví dụ trong hình ảnh trên, URL https://www.example.com/products/shoes?color=red#reviews được phân tích như sau:
- https://: Giao thức bảo mật.
- example.com: Tên miền.
- /products/shoes: Đường dẫn đến danh mục giày.
- ?color=red: Tham số để lọc giày có màu đỏ.
- #reviews: Phân mảng để chỉ định phần đánh giá sản phẩm.
3. Vai trò của URL trong SEO
3.1. Tối ưu SEO Onpage và cải thiện thứ hạng tìm kiếm SERPs
URL và SEO Title cùng hỗ trợ tối ưu hóa SEO Onpage. Khi từ khóa chính xuất hiện đồng thời trong SEO Title và URL, sự đồng nhất này củng cố mối liên kết giữa từ khóa và nội dung trang, giúp Google và các công cụ tìm kiếm dễ dàng xác định chủ đề, từ đó nâng cao khả năng xếp hạng trên trang kết quả tìm kiếm.
Ví dụ: Nếu từ khóa chính trong bài viết của bạn là “thiết kế web”. Khi đó, SEO Title có tên “Thiết Kế Web Giá Rẻ – Dịch Vụ Uy Tín, Chất Lượng Cao 2024” và URL là https://example.com/thiet-ke-web sẽ hỗ trợ quá trình lập chỉ mục tốt hơn.
3.2. Tăng tỷ lệ nhấp chuột (CTR)
URL đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của người dùng trên kết quả tìm kiếm. URL ngắn gọn, rõ ràng và chứa từ khóa chính sẽ tạo ấn tượng tốt, giúp người dùng nhanh chóng nhận biết nội dung của trang. Họ thường ưu tiên nhấp vào các đường dẫn dễ hiểu, mang tính mô tả, thay vì những URL dài dòng, phức tạp và không có ý nghĩa rõ ràng.
Ví dụ, hãy so sánh hai URL:
www.example.com/blog/12345&ref=abc www.example.com/blog/cach-toi-uu-urlRõ ràng, URL thứ hai mang tính mô tả cao hơn, giúp người dùng và công cụ tìm kiếm hiểu rằng bài viết nói về cách tối ưu URL.
3.3. Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng
Một URL đơn giản, dễ hiểu sẽ giúp người dùng nhanh chóng định hướng và tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả. Ngược lại, URL quá dài, rối rắm hoặc khó hiểu không chỉ làm giảm tính chuyên nghiệp mà còn gây khó khăn khi người dùng muốn ghi nhớ hoặc chia sẻ đường dẫn với người khác.
3.4. Hỗ trợ xây dựng liên kết
Một URL dễ nhớ giúp quá trình xây dựng liên kết (link building) của cả internal link và external link hiệu quả hơn. Nếu bạn tối ưu tất cả URL và anchor text, bạn có thể xây dựng một danh sách backlink phong phú với đa dạng từ khóa liên quan.
Với đường dẫn URL rõ ràng, những người muốn chia sẻ nội dung từ website của bạn sẽ dễ dàng sao chép hoặc sử dụng URL làm anchor text, từ đó gia tăng số lượng backlink chất lượng.
4. Các cách tối ưu hóa URL chuẩn SEO
Tối ưu hóa URL chuẩn SEO không chỉ giúp cải thiện thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm mà còn mang lại trải nghiệm người dùng tốt hơn. Dưới đây là một số cách tối ưu hóa URL hiệu quả:
4.1. Sử dụng từ khóa chính trong URL
Đảm bảo rằng URL của bạn chứa từ khóa chính mà bạn muốn SEO. Từ khóa này giúp công cụ tìm kiếm hiểu nội dung của trang và cải thiện khả năng hiển thị trang web của bạn. Tuy nhiên, đừng nhồi nhét từ khóa quá mức.
Ví dụ: Nếu bài viết của bạn về Tối ưu hóa SEO, URL sẽ là www.example.com/toi-uu-seo thay vì một chuỗi ký tự không liên quan.
4.2. Giữ URL ngắn gọn, dễ đọc
URL nên được viết ngắn gọn, dễ hiểu, độ dài từ 50 đến 60 ký tự. URL ngắn gọn giúp người dùng dễ ghi nhớ và tăng khả năng nhấp chuột.
4.3. Sử dụng cấu trúc URL hợp lý
Cấu trúc URL của website cần đảm bảo sự đầy đủ và rõ ràng, bao gồm các thành phần cơ bản như giao thức (HTTP/HTTPS), tên miền, đường dẫn và chuỗi truy vấn.
Ví dụ: https://www.example.com/miccreative/toi-uu-hoa-url?utm_source=newsletter&utm_medium=email
Giao thức (HTTP/HTTPS):https://
Tên miền:www.example.com
Đường dẫn:/miccreative/toi-uu-hoa-url
Chuỗi truy vấn:?utm_source=newsletter&utm_medium=email
Đặc biệt, đối với các website lớn, có nhiều bài viết hoặc sản phẩm, việc tổ chức URL theo cấp bậc rõ ràng là rất quan trọng. Các chuyên mục và chuyên mục con nên được sắp xếp hợp lý, giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu cấu trúc nội dung của website. Điều này không chỉ hỗ trợ SEO mà còn giúp người dùng dễ dàng tìm thấy thông tin họ cần.
Ví dụ: https://www.example.com/seo/cach-toi-uu-hoa-url. URL này được phân cấp rõ ràng, với chuyên mục “SEO” đứng đầu, theo sau là bài viết “cách tối ưu hóa URL”. Điều này giúp cả người dùng và công cụ tìm kiếm dễ dàng nhận diện và truy cập thông tin.
4.4. Không sử dụng ký tự tiếng Việt có dấu
Để đảm bảo tính tương thích tốt nhất trên tất cả các trình duyệt và hệ thống, bạn sử dụng URL không dấu. Điều này giúp tránh các vấn đề về hiển thị và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Ví dụ: www.example.com/cach-toi-uu-url thay vì www.example.com/cách-tối-ưu-url.
4.5. Sử dụng dấu gạch ngang (-) để ngăn cách từ
Khi cần tách các từ, hãy sử dụng dấu gạch ngang (-) thay vì dấu gạch dưới (_) để đảm bảo công cụ tìm kiếm hiểu đúng cấu trúc URL. Việc sử dụng dấu gạch ngang (-) cũng giúp URL dễ đọc và dễ hiểu hơn. Nó phân tách các từ rõ ràng hơn, giúp người dùng dễ dàng nhận diện và ghi nhớ nội dung của đường dẫn, trong khi dấu gạch dưới có thể gây nhầm lẫn, đặc biệt khi xuất hiện trong các URL dài.
Ví dụ:
URL chuẩn SEO: https://www.example.com/seo-la-gi URL không tối ưu: https://www.example.com/seo_la_gi
4.6. Tránh sử dụng “stop words” và các ký tự đặc biệt
Bạn nên hạn chế các từ không cần thiết như “và”, “của”, “các”,… Điều này giúp URL ngắn hơn mà vẫn giữ được ý nghĩa.
Ví dụ: Bạn nên tối ưu URL là www.example.com/cach-toi-uu-hoa-url-seo thay vì www.example.com/cach-toi-uu-hoa-mot-url-chuan-seo-va-hieu-qua.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần tránh sử dụng các ký tự đặc biệt như &, %, ?, = hoặc chuỗi ký tự không rõ nghĩa. Để giúp tối ưu hóa URL chuẩn SEO, bạn có thể tham khảo biểu đồ Perishable Press trong hình ảnh dưới đây để biết ký tự nào là an toàn và sử dụng chúng.
4.7. Ưu tiên giao thức bảo mật HTTPS
Giao thức HTTPS (HyperText Transfer Protocol Secure) giúp bảo vệ dữ liệu của người dùng khi truy cập website và cải thiện hiệu suất SEO. Các công cụ tìm kiếm cũng ưu tiên hiển thị các trang sử dụng HTTPS vì chúng đáng tin cậy hơn.
Để tạo HTTPS cho website của mình, trước hết bạn cần có chứng chỉ SSL. Hãy thực hiện các bước dưới đây để nhận chứng chỉ SSL từ nhà cung cấp Namecheap:
- Bước 1: Truy cập trang web của Namecheap và đăng nhập vào tài khoản của bạn
- Bước 2: Chọn mục Account (tài khoản) trên menu bar.
- Bước 3: Trong các tùy chọn thả xuống, chọn SSL Certificates (chứng chỉ SSL)
- Bước 4: Chọn gói SSL bạn muốn mua và nhấp vào Buy now (mua ngay).
- Bước 5: Chọn số năm bạn muốn chứng chỉ SSL của mình tồn tại. Sau đó, chọn Confirm Order để xác nhận đơn hàng
4.8. Không viết hoa địa chỉ URL
Để đảm bảo tính nhất quán và dễ quản lý, bạn nên sử dụng chữ thường trong URL thay vì chữ hoa. Việc này không chỉ giúp URL dễ nhớ hơn mà còn giảm thiểu nguy cơ gặp phải lỗi 404, khi các hệ thống và trình duyệt có thể phân biệt giữa chữ hoa và chữ thường trong đường dẫn.
4.9. Hạn chế sử dụng quá nhiều thư mục con trong URL
Bạn chỉ nên sử dụng tối đa 2 thư mục con cho mỗi URL. Các công cụ tìm kiếm sẽ không đánh giá cao những đường dẫn phải đi qua quá nhiều trang để đến nội dung mà người dùng tìm kiếm. Việc này không chỉ làm giảm hiệu quả SEO mà còn khiến người dùng cảm thấy khó khăn khi truy cập trang web.
Ví dụ:
URL tối ưu: https://www.example.com/seo/toi-uu-hoa-url URL không tối ưu: https://www.example.com/dich-vu/seo/huong-dan/toi-uu-hoa-urlTrong ví dụ trên, URL đầu tiên đơn giản và rõ ràng, trong khi URL thứ hai có quá nhiều thư mục con không cần thiết, khiến URL dài và khó hiểu hơn.
4.10. Chọn miền cao cấp (TLD)
Việc chọn miền cao cấp (Top-level domain – TLD) phù hợp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến SEO, giúp website của bạn dễ dàng nhận diện và nâng cao sự tin cậy từ cả người dùng và công cụ tìm kiếm.
Miền cao cấp .com là lựa chọn phổ biến và được ưu chuộng trên toàn cầu. Nếu bạn hướng đến một đối tượng toàn cầu, miền .com sẽ giúp website của bạn dễ dàng tiếp cận với người dùng ở nhiều quốc gia khác nhau.
Trong khi đó, .org thường được sử dụng cho các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các dự án mang tính cộng đồng. Việc sử dụng TLD này sẽ làm tăng độ tin cậy, đặc biệt đối với các website mang sứ mệnh xã hội hoặc học thuật.
Ngoài các miền cao cấp quốc tế, bạn cũng có thể sử dụng miền cao cấp địa phương như .vn nếu website của bạn chủ yếu phục vụ thị trường Việt Nam. Miền .vn giúp website dễ dàng nhận diện trong nước và cải thiện thứ hạng trong các kết quả tìm kiếm địa phương.
5. Kết luận
Qua bài viết này, MIC Creative đã chia sẻ URL là gì? và các cách tối ưu hóa URL hiệu quả. Hy vọng những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về URL và áp dụng vào việc xây dựng website chuyên nghiệp.
Nếu bạn đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ SEO hay các dịch vụ khác, hãy liên hệ ngay với MIC Creative để được tư vấn giải pháp tối ưu nhất. Chúng tôi tự tin là đối tác Marketing nắm bắt thị trường, thấu hiểu khách hàng, thành thạo công cụ và luôn luôn sáng tạo.
MIC CREATIVE – Your Success, Our Future
- Hotline: 024.8881.6868
- Email: contact@miccreative.vn
- Fanpage: MIC Creative – Truyền thông và Quảng cáo
- Địa chỉ: Tầng 5, 357-359 Nguyễn Khang, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội