1. Gong Cha dùng GenAI để tạo thế giới hình ảnh cho sản phẩm trân châu mini
Thương hiệu trà sữa Gong Cha vừa ra mắt sản phẩm mới mang tên trân châu mini (mini pearl) thông qua một chiến dịch tiếp thị tmang tên “Mini Pearl Adventures”. Chiến dịch không chỉ đơn thuần là quảng bá sản phẩm mới, mà còn đánh dấu một bước chuyển mạnh mẽ trong cách thương hiệu này tiếp cận người tiêu dùng bằng hình ảnh thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo sinh nội dung (Generative AI).
Toàn bộ thế giới hình ảnh trong chiến dịch được tạo dựng bằng GenAI, với chủ đích xây dựng một “vũ trụ mini” dành riêng cho mạng xã hội. Các khung cảnh như mây hình trân châu, sông sữa xoài, thác dâu tây không chỉ là chi tiết thẩm mỹ mà còn góp phần trực quan hóa cảm nhận về hương vị và tính cách của sản phẩm nhỏ gọn, đáng yêu, thú vị.
Chiến dịch được thiết kế theo định hướng social-first, tức là nội dung và định dạng được tối ưu trước tiên cho các nền tảng như TikTok và Instagram. Đây là hai kênh có khả năng lan tỏa cao, đặc biệt hiệu quả với nhóm khách hàng trẻ tuổi vốn ưa chuộng trải nghiệm hình ảnh và nội dung ngắn.
Để hiện thực hóa chiến dịch, Gong Cha hợp tác với ba đơn vị chuyên biệt:
- Agency AI faith: công ty chuyên về giải pháp AI thuộc tập đoàn VCCP, đảm nhiệm phần chiến lược AI tổng thể;
- Bernadette: Studio hình ảnh và trải nghiệm số, chịu trách nhiệm sản xuất phần hình ảnh thị giác.
Chiến dịch dự kiến sẽ được triển khai đồng thời tại hơn 20 thị trường toàn cầu như Nhật Bản, Mỹ, Mexico, Malaysia và Đài Loan. Thời điểm ra mắt trùng với nhiều dịp đặc biệt như Ngày Trà Sữa Quốc Tế, Ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, và Ngày Của Mẹ, cho thấy sự kết hợp giữa chiến lược thời điểm và chiến thuật nội dung đa nền tảng.
2. Gong Cha đưa GenAI trở thành trung tâm trong chiến lược sáng tạo nội dung
Trong chiến dịch “Mini Pearl Adventures”, Gong Cha không dùng Generative AI như một công cụ tạo hình ảnh. Thay vào đó, thương hiệu đã đưa GenAI trở thành trung tâm của toàn bộ quy trình sáng tạo. Một quyết định cho thấy sự chuyển dịch trong cách định nghĩa sáng tạo nội dung thương hiệu trong ngành F&B.
Thương hiệu không sử dụng AI tạo sinh như một công cụ hậu kỳ, Gong Cha thiết kế lại cấu trúc sáng tạo ngay từ đầu. AI không chỉ sinh hình ảnh mà giữ vai trò kích hoạt và mở rộng năng lực hình dung thương hiệu, từ cảm xúc sản phẩm đến phong cách thị giác.
- Thương hiệu tổ chức một hệ sinh thái sáng tạo mới, nơi con người và máy móc làm việc đồng thời, mỗi bên giữ một vai trò cụ thể nhưng bổ trợ cho nhau.
- Kỹ sư gợi lệnh (prompt engineer) và nhà thiết kế chuyển động (motion designer) phối hợp để tối ưu đầu ra từ AI, bảo đảm hình ảnh không chỉ đúng kỹ thuật mà còn mang tinh thần thương hiệu.
- Trong khi đó, các chiến lược gia nội dung chịu trách nhiệm diễn giải thông điệp thương hiệu thành ngôn ngữ thị giác mà AI có thể xử lý và tạo sinh.
Nhờ mô hình hợp tác này, thế giới hình ảnh của chiến dịch không còn là tập hợp những hình minh họa sản phẩm, mà trở thành một hệ biểu cảm thị giác được kiểm soát chặt chẽ: từ mây trân châu, sông sữa xoài cho đến thác dâu tây. Tất cả đều mang đặc điểm nhận diện của sản phẩm: nhỏ gọn, ngọt ngào, mang tinh thần Á Đông. Một sự pha trộn giữa phong cách kawaii và mỹ cảm tráng miệng châu Á không ngẫu nhiên mà là có chủ đích định vị thương hiệu rõ ràng.


Điều đáng nói là: Với mô-típ hình ảnh lặp lại này, Gong Cha đang dần xây dựng một hệ ngôn ngữ thị giác đặc trưng. Một ngôn ngữ sáng tạo đủ linh hoạt để thích ứng theo từng thị trường, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Chính là nền tảng để thương hiệu mở rộng “vũ trụ mini” này thành một hệ sinh thái nội dung có thể nhân bản trong dài hạn, cụ thể là dự kiến triển khai ở hơn 20 thị trường toàn cầu.
3. GenAI liệu có đang giúp thương hiệu tăng tốc và mở rộng nội dung hiệu quả hơn?
Tuy nhiên, dự kiến triển khai chiến dịch ở hơn 20 thị trường toàn cầu đặt ra một câu hỏi đáng chú ý: làm thế nào một thương hiệu có thể chuẩn bị nội dung ở quy mô lớn, phù hợp với từng nền tảng mạng xã hội, mà vẫn đảm bảo chất lượng thị giác đồng nhất?


Chúng tôi không có số liệu nội bộ từ phía Gong Cha. Dù vậy, nếu đặt chiến dịch này vào bối cảnh toàn ngành, một lời giải có thể đến từ sự xuất hiện ngày càng phổ biến của Generative AI trong khâu sản xuất nội dung.
Theo báo cáo 2025 Marketing Production Trends do APR công bố, các thương hiệu ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung hình ảnh đang ghi nhận những kết quả cụ thể:
- Giảm từ 20–50% chi phí và thời gian trong các khâu hậu kỳ và hiệu ứng hình ảnh (VFX) — vốn là phần chiếm ngân sách và thời gian đáng kể trong sản xuất nội dung quảng bá.
- Rút ngắn trung bình 14% số ngày quay trên mỗi dự án, đồng thời tăng gấp đôi số lượng tài sản nội dung đầu ra (từ 5.2 lên 10.8 assets).
- 80% các chiến dịch hiện tại đã tích hợp ảnh tĩnh và video trong cùng một quy trình sản xuất, tận dụng tối đa thời gian và chi phí quay nhờ AI hỗ trợ dàn dựng và biến thể nội dung nhanh chóng.
Những con số này cho thấy khả năng AI đang hỗ trợ các thương hiệu chuyển từ mô hình sản xuất tuyến tính, thủ công sang một quy trình sản xuất linh hoạt, tối ưu và dễ mở rộng. Trong trường hợp của Gong Cha, đây có thể là cách thương hiệu chuẩn bị để triển khai chiến dịch “Mini Pearl Adventures” tại nhiều thị trường khác nhau mà vẫn duy trì chất lượng đồng đều về hình ảnh và trải nghiệm thương hiệu.
Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo một câu hỏi quan trọng: liệu sự tối ưu về chi phí và tốc độ có ảnh hưởng đến chiều sâu sáng tạo hay không? GenAI có thể tạo ra nhiều nội dung nhanh chóng, nhưng thương hiệu vẫn cần đảm bảo rằng từng hình ảnh vẫn giữ được bản sắc và cảm xúc – điều mà người tiêu dùng kỳ vọng khi tiếp cận một sản phẩm F&B có yếu tố trải nghiệm như trà sữa.
Vì thế, dù những con số từ ngành là tích cực, hiệu quả thực sự vẫn phụ thuộc vào cách thương hiệu làm chủ công nghệ thay vì để công nghệ điều khiển quy trình sáng tạo.
4. Thương hiệu nhỏ có thể học gì từ cách Gong Cha sử dụng AI tạo sinh
Từ cách Gong Cha triển khai Generative AI trong chiến dịch “Mini Pearl Adventures”, có thể rút ra những bài học hữu ích cho các thương hiệu F&B quy mô nhỏ – đặc biệt trong bối cảnh cần tối ưu nguồn lực tiếp thị.
- Hiệu quả không phụ thuộc vào ngân sách, mà vào cách tích hợp công nghệ vào chiến lược
Các công cụ như Midjourney, DALL·E, Runway, Canva AI… hiện đã phổ biến với mức phí thấp hoặc miễn phí, cho phép tạo ra visual chất lượng cao mà trước đây cần đến đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp. Điều quan trọng là AI được sử dụng có chủ đích, gắn với chiến lược thương hiệu cụ thể.
- AI phù hợp với xu hướng sản xuất nhanh, nhỏ, linh hoạt trên mạng xã hội
Không cần xây dựng một hệ sinh thái hình ảnh quy mô như Gong Cha, các thương hiệu địa phương hoàn toàn có thể triển khai micro-campaign: chiến dịch ngắn, định hướng cảm xúc, phù hợp thời điểm và đặc thù nền tảng như TikTok, Instagram Reels.
- Cốt lõi thương hiệu phải được con người xác lập và kiểm soát
Dù AI có khả năng tạo nhiều biến thể nội dung, công nghệ này không tự hiểu bản sắc thương hiệu. Do đó, phần quan trọng nhất vẫn là xác định rõ chiến lược, phong cách và thông điệp ngay từ đầu để AI hoạt động trong ranh giới sáng tạo đã được thiết lập sẵn.
Chúng tôi tin rằng trong điều kiện thị trường Việt Nam, nơi các thương hiệu F&B nhỏ liên tục cạnh tranh bằng sản phẩm và tốc độ ra mắt, việc đầu tư vào một năng lực nội dung linh hoạt, sử dụng công nghệ hợp lý, và tập trung đúng kênh mạng xã hội chủ lực có thể tạo ra lợi thế thực sự. Không chỉ về hình ảnh mà cả trong nhận diện thương hiệu dài hạn.